Rộng mở thị trường Đông Á
Theo Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong 5 năm trở lại đây số lượng người LĐ đi nước ngoài làm việc hàng năm là 100 nghìn người và tăng đều mỗi năm khoảng 10 nghìn người. Số LĐ làm việc ở nước ngoài tập trung ở các thị trường có thu nhập khá cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm khoảng trên 90% và một số nước Đông Âu với các ngành nghề cơ khí, sản xuất, chế tạo.
Nhật Bản, trong 3 năm gần đây, đã thông qua 2 luật về tiếp nhận LĐ nước ngoài bao gồm: Luật về chương trình thực tập kỹ năng người nước ngoài (năm 2016) và Luật sửa đổi Luật Xuất nhập cảnh và tỵ nạn, trong đó cho phép tiếp nhận LĐ kỹ năng đặc định người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản (năm 2018), đồng thời người LĐ đi theo hình thức thực tập kỹ năng hoặc LĐ kỹ năng đặc định được thực tập và làm việc với thời hạn 5 năm.
Đài Loan cũng sửa đổi chính sách cho phép người LĐ nước ngoài được tái nhập cảnh vào làm việc, cũng như kéo dài thời hạn làm việc. Mặc dù tình trạng thất nghiệp của LĐ trong nước tăng lên so với trước đây, nhưng Hàn Quốc vẫn duy trì hạn ngạch nhập LĐ nước ngoài đến làm việc, đồng thời mở ra hướng tiếp nhận LĐ đến làm việc trong lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp.
Các thị trường LĐ ngoài nước vẫn đang tiếp nhận LĐ giản đơn, nhưng xu hướng chung của các chủ sử dụng LĐ và quy định của các nước vẫn muốn tiếp nhận LĐ qua đào tạo, có trình độ tay nghề và chuyên môn. Hơn nữa, đối với LĐ qua đào tạo thì có nhiều ưu điểm hơn về khả năng tiếp thu công việc, năng suất chất lượng hiệu quả LĐ và ý thức tổ chức kỷ luật LĐ.
Thúc đẩy các chương trình hợp tác
Để tuyển chọn được LĐ đi làm việc tại nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu LĐ (XKLĐ) rất cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý địa phương, phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt liên kết với các trường, cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Đề xuất giải pháp thực hiện gắn kết đào tạo giáo dục nghề nghiệp với việc làm và XKLĐ trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho rằng:
Cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường LĐ ngoài nước và công tác tạo nguồn LĐ có chất lượng, ý thức tổ chức kỷ luật, nâng cao trình độ cho người LĐ đi làm việc tại nước ngoài. Kết nối chương trình phối hợp giữa các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và địa phương trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ đi làm việc tại nước ngoài.
Tổ chức các khóa tập huấn, cung cấp thông tin thị trường LĐ nước ngoài, bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực đưa người LĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài cho cán bộ địa phương, doanh nghiệp XKLĐ. Đồng thời, xem xét đưa vào chương trình giảng dạy định hướng cho học sinh, sinh viên về thị trường LĐ trong và ngoài nước.
Trao đổi với một số nước về việc ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo nghề đạt chuẩn của các nước đó, hoặc công nhận chứng chỉ nghề được đào tạo tại các trường nghề của Việt Nam tương đương với các trường chuyên môn của nước tiếp nhận LĐ. Giới thiệu doanh nghiệp XKLĐ ký kết đặt hàng với các trường đào tạo nghề, đặc biệt là các nghề có tính chất đặc thù.