Sinh viên thực tập ở nước ngoài: Sao cho hiệu quả

GD&TĐ - Với việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó có nội dung tiếp nhận, trao đổi sinh viên, nhiều bạn trẻ đã có cơ hội đi thực tập ở nước ngoài với chi phí… tượng trưng. Nhờ vậy họ có điều kiện tích lũy kỹ năng, tác phong làm việc trong môi trường đa văn hóa.   

Đại diện Ban giám hiệu Trường Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng khảo sát điều kiện thực tập cho SV tại Nhật Bản
Đại diện Ban giám hiệu Trường Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng khảo sát điều kiện thực tập cho SV tại Nhật Bản

Thử thách trong môi trường quốc tế

Lê Thị Ngọc Anh (SV ngành Quản trị và Kinh doanh quốc tế - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng) có một quyết định đầy thử thách khi lựa chọn thực tập tại Thái Lan.

Được nhận thực tập cùng lúc ở cả 2 công ty đều có trụ sở chính tại Bangkok, Ngọc Anh cho biết: Khó khăn đầu tiên là phải làm quen với việc sử dụng tàu điện ngầm và việc quản lý thời gian cũng như tác phong làm việc luôn chuyên nghiệp.

Ngoài việc làm quen với môi trường mới, trong thời gian thực tập, Ngọc Anh phải đảm nhiệm những vị trí công việc khác nhau như tìm kiếm thông tin trên website, gặp gỡ và email trao đổi với những công ty nhập khẩu tại Việt Nam, tham gia các buổi triển lãm để tìm kiếm doanh nghiệp nhập khẩu, chăm sóc khách hàng cũng như tư vấn về việc xuất nhập khẩu. “

Lợi thế của em là ngoài tiếng Anh, còn biết giao tiếp bằng tiếng Thái nhưng vẫn không tránh khỏi những bỡ ngỡ; công việc thì đòi hỏi mình phải liên tục nắm bắt vì chỉ cần mình làm sai gì đó thôi thì kéo theo cả một team phải làm lại từ đầu” - Ngọc Anh chia sẻ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với cô SV này trong quá trình thực tập tại Thái Lan là đại diện cho công ty tư vấn về sản phẩm cho khách hàng đến từ Việt Nam, Hàn Quốc và Singapore trong triển lãm ThaiFex.

“Trước khi tham gia triển lãm quốc tế ThaiFex, chúng em được công ty tổ chức 2 buổi huấn luyện. Lần đầu tiên tham gia triển lãm quốc tế, em đã rất ngợp vì cách người ta tổ chức quá bài bản và chuyên nghiệp, từng chi tiết nhỏ như cách sắp xếp, bài trí sản phẩm… đều được để ý và quan tâm” – Ngọc Anh nhận xét.

Nguyễn Thị Thanh Hà (cựu SV lớp 14CNJ03 Khoa tiếng Nhật - Hàn - Thái, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) là một trong 7 SV có kỳ thực tập tốt nghiệp trong vòng 3 tháng tại Nhật với vị trí lễ tân ở khách sạn của tập đoàn Mikazuki. Nếu so với các bạn đăng ký thực tập trong nước thì thời gian thực tập nhóm SV tại Nhật như Thanh Hà dài hơn.

Thanh Hà chia sẻ: Ngoài những khó khăn mà em và các bạn buộc phải nhanh chóng thích nghi khi tiếp xúc với nền văn hóa mới, trong quá trình làm việc, cần phải quan sát và ghi nhớ để hình thành tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Lần đầu tiên trải nghiệm làm việc trong một môi trường hoàn toàn sử dụng tiếng Nhật ngay tại nước sở tại, Thanh Hà cho biết: Phản xạ nghe - nói của mình đã tốt hơn rất nhiều, khả năng giao tiếp được cải thiện và quan trọng nhất là “được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, chúng em biết được những kỹ năng, kiến thức nào phục vụ trực tiếp cho công việc”.

Thanh Hà cũng thừa nhận, kỳ thực tập tại Nhật Bản đã tạo cho em và các bạn “nhiều giá trị cộng thêm” trong hồ sơ ứng tuyển. Vừa tốt nghiệp ra trường, Thanh Hà đã được nhận vào vị trí biên phiên dịch cho một công ty Nhật Bản tại Đà Nẵng.

“Sàng lọc” đối tác

TS Đào Thị Thanh Phượng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Từ thành công của đợt SV đầu tiên đi thực tập tại Tập đoàn Mikazuki, năm 2019, tập đoàn này đã đề nghị nhà trường tăng số lượng SV sang thực tập tại Nhật Bản. Ngoài ra, tập đoàn ORix của Nhật Bản cũng đã làm việc với trường để tìm kiếm vị trí thực tập kỹ sư cầu nối trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đảm nhận việc dịch thuật”.

Theo TS Đào Thị Thanh Phượng, những SV lọt vào danh sách được chọn đi thực tập ở nước ngoài đều phải qua một đợt sát hạch chặt chẽ từ nhà trường và đơn vị đối tác. “Ví dụ như muốn đi thực tập tốt nghiệp tại Nhật Bản thì trình độ tiếng Nhật của SV phải đạt N3, N2 mới đáp ứng được. Cả nhà trường, SV và doanh nghiệp đối tác cũng phải xác định rằng mục đích của đợt thực tập là thực tập nghề nghiệp, khác với hình thức xuất khẩu lao động hoặc tu nghiệp” - TS Đào Thị Thanh Phượng nhấn mạnh.

Chính vì vậy, trước khi ký kết hợp tác, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng đã tìm hiểu các thông tin về doanh nghiệp đối tác thông qua các kênh khác nhau của những chế độ đãi ngộ, điều kiện ăn ở, làm việc cho SV thực tập và có giảng viên theo dõi, liên hệ để nắm tình hình trong quá trình thực tập của SV.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng cũng đã có 5 năm tổ chức cho SV đi thực tập tại các nhà máy điện, nhà máy cơ khí, nhà máy sản xuất ethanol, nhà máy phân bón thuộc tập đoàn KTIS của Thái Lan.

PGS.TS Phạm Quý Trà - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế - Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật - ĐH Đà Nẵng cho rằng: Đưa SV đi thực tập ở nước ngoài là nỗ lực rất lớn của nhà trường nhằm tạo điều kiện cho các em được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thực tập, thực hành trên những thiết bị hiện đại ở nước bạn, làm quen với môi trường làm việc hội nhập và trao đổi, giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế.

Từ chỗ tiếp nhận 10 SV thực tập/năm cho một đợt thực tập kéo dài một tháng, đến nay, Tập đoàn KTIS tiếp nhận khoảng 30 SV/năm. Thời gian thực tập của SV cũng được điều chỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 8 - 11, giai đoạn bảo dưỡng hệ thống dây chuyền sản xuất của nhà máy - để SV có cơ hội được làm việc, thực hành nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.