1. 5h, trời chưa kịp sáng, đục ngầu và rét. Tôi đón Long, anh họ tôi ở ga Hàng Cỏ. Vừa xuống tàu, câu đầu tiên anh nói: "Giường cứng khó ngủ quá, trằn trọc cả đêm". Kèm theo đó là tiếng thở hắt và cái lắc đầu ngao ngán như thể vừa trải qua điều gì khủng khiếp lắm. Vì còn sớm quá hàng quán chưa mở nên tôi mua tạm bánh mỳ dọc đường hai anh em lót dạ. Anh tôi lắc đầu ngao ngán: "Cái này mà chú cũng ăn được?!".
Nhìn Long thẫn thờ với khói thuốc, tôi không thể hình dung đó từng là một niềm tự hào của cả dòng họ. Ở cái thời điểm tột cùng bất hạnh của gia đình, anh tôi vẫn vấn vương trong các mưu cầu hưởng thụ. Long vẫn chưa lớn dù đã bước qua tuổi 30 nhưng lỗi không chỉ thuộc về anh mà còn thuộc về những người tạo ra anh. Như những đứa trẻ mãi không lớn trên phố núi Gia Lai.
Những đứa trẻ ấy đã tái tạo tình yêu cho bóng đá nước nhà, cho hàng triệu người hâm mộ bóng đá nước nhà qua lứa U19. Nếu theo đúng lộ trình, lứa cầu thủ này sẽ đưa HAGL và bóng đá Việt Nam tiến những bước rất xa trong vòng vài ba năm. Thực tế, sau 4 năm, bóng đá Việt Nam đã tiến những bước rất xa, nhưng công lao không hoàn toàn thuộc về lứa U19 của HAGL và đội bóng phố núi thì giẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi.
Xưa, với các hảo thủ như Dusit, Kiatisuk, Lee Nguyễn, Thonglao… HAGL còn chinh đông chinh tây, từ khi có lứa U19 chỉ loanh quanh khu vực xuống hạng.
Mùa giải 2019 này mới chỉ diễn ra được 3 vòng đấu nhưng có lẽ không ngoại lệ khi HAGL đã thua tới 2 trận, thua lấm lưng trắng bụng, thua không bào chữa ngay trên sân nhà. Đáng nói hơn nữa, sự kiên nhẫn của người hâm mộ đã đi đến điểm tới hạn. Những người xưa mê đắm theo bước chạy của lứa U19 nay cũng trở nên phẫn nộ chỉ trích đội bóng.
HAGL vẫn đan lát, vẫn bật nhả, vẫn chơi đẹp, vậy chuyện gì đang xảy ra? Chẳng lẽ, gu xem bóng của người hâm mộ đã thay đổi?
2. Long vốn là học sinh giỏi toàn diện 12 năm liền, đậu một trường đại học danh tiếng ở miền Trung, làm lớp phó học tập và tiếng Anh 7 chấm (IELTS). Tôi nhớ như in vì mỗi lần gặp, tôi đều nghe bác tôi khoe với ánh mắt tự hào. Nhưng cứ sau 1 năm, những câu khoe khoang của bác tôi lại vơi đi một ít, anh mắt tự hào cũng chuyển dần sang đượm buồn.
Long học đại học 10 năm không ra được trường. Nếu như ở nhà Long là một tên mọt sách chính hiệu với sự khắt khe chỉ học và học, việc nhà cũng không cần làm từ bác tôi thì lúc trở thành sinh viên, Long như tháo cũi sổ lồng. Anh trở thành con nghiện game hạng nặng, có thể chơi thâu đêm suốt sáng và dĩ nhiên là bỏ học.
Tôi nghĩ 10 năm là một kỷ lục, vì nếu người khác, chỉ cần chạm mốc 7 hoặc 8 năm sẽ phải bỏ học, còn bác tôi thì sống chết nuôi Long lấy bằng được tấm bằng đại học. Rốt cuộc, Long vẫn không lấy được bằng. Chỉ đến khi họ hàng gây áp lực, bác tôi đành "rút" Long về quê học cao đẳng và nhờ mối quan hệ xin cho Long một chân công chức ở tỉnh.
Lương công chức không cao, nhưng với điều kiện kinh tế gia đình, Long vẫn sẽ có một cuộc sống ổn định. Nhưng sóng gió chưa dừng ở đó. Nếu thời sinh viên Long bập vào game thì đến khi đi làm, Long sa vào con đường còn thảm họa hơn: Cờ bạc và gái gú. Việc thiếu kỹ năng mềm khiến Long mắc kẹt trong môi trường công sở, chịu sự kỳ thị của đồng nghiệp. Thế nên, Long chọn một môi trường anh được cung phụng để giải tỏa.
3. Câu chuyện của Long khiến tôi nghĩ đến HAGL vì cái cách người lớn tạo ra họ. Giống như Long, những cậu bé U19 được bảo bọc quá mức, được xưng tụng lên mây xanh và được kỳ vọng chơi một thứ bóng đá không tưởng, chỉ có ban bật. Bóng đá là ánh xạ của cuộc đời nên bóng đá không đẹp theo kiểu duy mỹ như thế. Cái đẹp của bóng đá là cái đẹp trần trụi, dồn nén và vỡ òa.
Man United chơi đẹp, nhiều đội bóng khác cũng chơi đẹp, nhưng Man United chiếm được nhiều tình cảm bởi khả năng vượt lên trên nghịch cảnh, những cú lội ngược dòng ngoạn mục cả ngoài đời lẫn trên sân bóng.
Còn HAGL? Cái cách các cầu thủ đội bóng phố núi ban bật đem đến sự ức chế nhiều hơn là sự kích thích. Bởi, những pha ban bật chỉ bắt nhãn chứ hoàn toàn thiếu hiệu quả, chẳng gây nguy hiểm cho hàng phòng ngự đối phương và mỗi khi mất bóng là y như rằng khung thành chao đảo.
Hãy nhìn qua vài con số. Hai trận thua gần nhất, HAGL đều cầm bóng trên dưới 60%, tung ra trên 10 pha dứt điểm và nhận... 6 bàn thua ngay trên sân nhà trước TP.HCM và Sài Gòn FC - hai ứng viên xuống hạng. Và đấy là vấn đề tồn đọng nhiều năm từ khi xuất hiện lứa U19 chứ không phải hiện tượng nhất thời.
Đầu tiên, lứa cầu thủ này, và cả những lứa cầu thủ sau, được đào tạo theo công thức của Arsenal. Đó là chú trọng khâu xử lý cá nhân lẫn tập thể, xem nhẹ các yếu tố tranh chấp. Thế nên đến năm 14 tuổi, các em vẫn chơi bóng chân trần. Tiếp đến, tuyên bố "Ai đá xấu hoặc đôi co với trọng tài, tôi đuổi luôn" của ông bầu đội bóng trở thành kim chỉ nam định hướng lối chơi.
Tức HAGL tự biến mình trở thành một cậu học trò ngồn ngộn kiến thức nhưng thiếu kỹ năng sống, mặc cho cuộc đời quăng quật vẫn chấp nhận điều đó vì ý chí của người lớn. Nên nhớ, ngay cả đội bóng biểu tượng ban bật như Barca không phải chỉ có thi sĩ như Messi, Iniesta mà còn có cả những chiến binh uy mãnh như Puyol.
Dẫn chứng cụ thể hơn, 3 mùa gần nhất, HAGL luôn kết thúc ở vị trí ngấp nghé khu vực xuống hạng. Mùa 2018 đứng thứ 11, mùa 2017 đứng thứ 10 và mùa 2016 đứng thứ 12. Ngược lại, đội bóng phố núi lại luôn nằm top những đội bóng để thủng lưới nhiều nhất qua các mùa giải và nếu tính từ mùa 2016 đến nay, HAGL là đội thủng lưới nhiều nhất V-League, với 152 bàn thua sau 81 trận, trung bình 1,8 bàn/trận.
Tuy nhiên, đừng vội chê các cầu thủ HAGL kém tài. Đó vẫn là những cầu thủ có kỹ thuật thượng thừa, với những pha chạm bóng đầu tiên (first-touch) vượt trội so với đồng nghiệp. Cái họ thiếu là sự tinh quái, khả năng tranh chấp, thể lực và những cộng sự đẳng cấp cao cả ngoại lẫn nội binh.
Bởi vậy, nếu thay đổi phương pháp xây dựng một đội bóng cạnh tranh bóng đá đỉnh cao thay vì duy ý chí như hiện tại, tương lai của HAGL sẽ khác, sẽ trở lại xán lạn. Đừng để đến khi quá muộn, vì lứa U19 năm nao nay cũng đã bước qua tuổi 24. Khác với Long, người hôm qua tôi đón để đưa đến một trung tâm xuất khẩu lao động, để kiếm tiền thì ít mà tránh cảnh xiết nợ phần nhiều.