(GD&TĐ) - Khi từng làn gió nhẹ nhàng lướt trên những ngọn cây, gọi mưa phùn lây rây như rắc phấn, đất trời thoang thoảng hương hoa ngan ngát, từ trên núi mây trắng như bông lang thang vờn quanh các mái nhà sàn trong bản, không gian rộn lên tiếng vỗ cánh của bầy ong rừng, xen lẫn tiếng con suối đầu bản róc rách khe khẽ, thầm thì…là cái tết đã đến, mùa xuân đã về trên rẻo cao quê tôi.
Rực rỡ sắc màu Xuân nơi rẻo cao |
Xuân đến, rừng núi được đánh thức sau một giấc ngủ đông dài. Muôn vàn cỏ cây cựa mình, rủ nhau vươn mình, xòe những ngón tay lá mềm mại, tung tăng phủ màu xanh lên khắp núi đồi, làng bản, nương rẫy. Trên sườn núi chênh vênh dốc đứng, chợt bừng lên màu hồng rực rỡ, quyến rũ của bạt ngàn hoa đào. Dưới thung nở rộ sắc trắng thanh tao, tinh khiết của hoa mận, hoa mơ…
Đấy là lúc bản tôi rộn ràng chuẩn bị đón tết. Các bà, các mế cố cấy nốt những đon mạ trên nương cao, nương thấp để thửa ruộng được khoác manh áo mới đón xuân. Biết mấy những cây nhỏ, cây to trong vườn, ngoài bản được đôi bàn tay khỏe khoắn, khéo léo của những người trai bản quét vôi trắng dưới gốc, tạo nên sức sống bình sinh cho cây trái và cũng là để hàng cây được giao hòa cùng đất trời vào xuân. Nơi Đầu nguồn con suối Nặm Lay, tụi nước dắt díu nhau nhảy nhót trên các ghềnh đá, tung ra muôn vàn bọt nước li ti, bắn vào áo các cô gái đang tươi cười, chau chuốt những tàu lá dong xanh mướt mát. Và kìa! biết bao những hạt gạo nếp nương trắng muốt, những hạt đỗ xanh, sau khi bong vỏ, khoe màu vàng óng ả như tơ, quấn quít, xôn xao trong bàn tay của các thiếu nữ. Để rồi, từng nếp nhà sàn, mọi người quây quần, hồ hởi cùng nhau gói bánh chưng đón tết.
Thường thì, các nhà chỉ gói mấy cặp bánh chưng vuông, để lên ban thờ mời tổ tiên về vui tết cùng con cháu, còn lại là gói những chiếc bánh chưng dài, mà người dưới xuôi vẫn gọi là “bánh tày”. Khi từ bếp vuông trên các nhà, lửa cháy rừng rực, tỏa ra mùi thơm nồng, quánh đặc của nồi bánh chưng đang réo sôi ùng ục, cũng là lúc người già kể các câu chuyện cổ tích cho lũ trẻ con nghe. Những câu chuyện chảy dài mãi không biết dừng, thổi vào tâm hồn thơ trẻ tình yêu thương và lòng nhân ái, sự đoàn kết và thủy chung, có vui cùng chia, có buồn san sẻ của các dòng họ nơi bản xa heo hút...Còn các ông bố, bà mế dọn sạch sẽ ban thờ, nhà cửa, dán giấy đỏ điều vào cái cuốc, cái cày, con dao…để chúng cũng tưng bừng vào ngày tết. Nhưng vui vẻ và sôi động có lẽ là các chàng trai, cô gái. Từng đôi, từng cặp thi nhau giã bánh dày trên những chiếc cối dài làm bằng thân cây gỗ lớn trong rừng. Nhịp chày đôi “kinh….coong…kinh coong…” vang rền, theo gió xuân nồng ấm, lướt trên tán rừng, dội vào vách đá, lan xa….mời gọi, náo nức. Họ vừa giã bánh dầy, vừa thủ thỉ trò chuyện, mắt chìm trong mắt, cho đến khi những chiếc bánh dầy tròn trắng tượng trưng cho mặt trăng, còn chiếc bánh dầy màu đỏ, tượng trưng cho mặt trời được đặt trong lòng mâm đồng, thì các thiếu nữ xúng xính trong trang phục áo chàm truyền thống, chuyển sang đồ xôi. Gạo nếp đồ xôi được ngâm trong những chiếc chậu thau đồng sáng loáng. Xôi có nhiều màu lắm. Muốn có xôi màu đỏ thì gạo ngâm bằng nước lá “Co Kim Loòng”, xôi có màu tím thẫm thì ngâm gạo nước lá “Co bơ sâu”, xôi có màu xanh đậm đà thì gạo ngâm trong nước lá “co bơ khình”….Khi từng chõ xôi tỏa hương nồng nàn là đến lúc cho xôi vào những chiếc khuôn gỗ có hình cánh hoa. Và những đĩa xôi hoa cánh trắng, đỏ, xanh, tím…được gia chủ trịnh trọng đưa lên trên ban thờ, thì cũng vừa tới thời điểm giao thừa. Trên các ban thờ hương trầm tỏa hương thoang thoảng, vấn vít… đấy là lúc già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ cùng nhau đi đến các gia đình chúc cho năm mới bình an, khỏe mạnh, ngô lúa đầy sàn, tụi trẻ chăm ngoan, lấy được nhiều cái chữ của thầy cô giáo vào trong đầu….Đoàn người đi chúc tết mỗi lúc một đông, biết bao ngọn đuốc nứa được thắp sáng rực rỡ, trông như con rồng lửa, rước từ nhà này, sang nhà khác suốt đêm.
Xuân về (ảnh MH) |
Sáng mùng một. Từ đâu đó trên vòm trời, từng cánh én mang niềm vui chao cánh, ríu rít gọi một ngày đầu tiên của một năm mới, đó là lúc trên bãi đất trống đầu bản, dòng người kéo đến mỗi lúc một đông để tham gia và cổ vũ cho Hội xuân với những trò chơi dân gian truyền thống tung còn, kéo co, đu quay…
Như là ước hẹn, năm nào trò chơi tung còn được chọn để mở hội, khai xuân. Mỗi chàng trai đến Hội xuân, mang theo quả còn hình vuông, có bảy sắc tua rua rực rỡ, trong ruột quả còn là những hạt thóc hay hạt đỗ, vừng…Tiếng trống náo nức, âm vang “tùng….tùng…tùng…” tưng bừng cất lên, từng quả còn bay vút lên vòm trời, chao lượn nhịp nhàng. Tiếng hò reo vang trời, dậy đất khi còn bay qua trúng vòng tròn trên đỉnh cột còn. Trong nắng vàng mềm mại như tơ của mùa xuân, chàng trai đầu tiên ném trúng vòng còn thật hãnh diện trước sự ngưỡng mộ của dân bản. Còn cô gái được quả còn rơi trúng người, thì đó là tín hiệu vui để người chủ còn tìm bạn trăm năm. Quả còn đó, trưởng bản mở ra, những hạt giống chia đều cho mọi nhà mang về reo trồng…Để rồi năm ấy thời tiết thuận hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà mừng vui…
Trong không gian ăm ắp nắng gió của mùa xuân, từ ngút ngát rừng già ở lòng thung hay đỉnh núi, giữa tiếng gọi xôn xao của những vòm lá, cùng ngàn vạn tiếng hót trong trẻo, thánh thót của bầy chim gọi xuân sang, bỗng thánh thót ngân vang lời Sli bay bổng mượt mà: “…. Mùa xuân lai bjoóc quỉ, bjoóc hom, hẩu mật mèng mà thom lỉn hội, mùa xuân chài bẳn mắc còn, mắc còn toốc mừ noọng, chài các câu bjoóc quá tẳng noọng …(mùa xuân trăm ngàn hoa khoe sắc, hoa thơm bướm lượn vui hội xuân…mùa xuân anh ném quả còn, còn rơi tay em, anh bắc cầu hoa sang đón em….).
Bùi Như Lan
Thái Nguyên –Xuân 2010