Xóa nghèo cho dân từ kiến thức giảng đường đến các chương trình mục tiêu quốc gia

GD&TĐ - “Hằng năm, chúng tôi hiệp thương với các đoàn thể, phân công giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Riêng năm 2019, toàn xã giúp 15 hộ thoát nghèo…”.

 Đem kiến thức học được từ giảng đường để bắt tay vào nghiên cứu đặc điểm của địa phương. Ảnh minh họa.
Đem kiến thức học được từ giảng đường để bắt tay vào nghiên cứu đặc điểm của địa phương. Ảnh minh họa.

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch xã Ít Ong về công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Biến thách thức thành cơ hội

Ở xã Ít Ong, hầu hết bà con dân bản sinh sống, lao động sản xuất trong điều kiện bất lợi, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thường xuyên chịu rủi ro bởi biến đổi khí hậu, thiên tai và thiếu đất sản xuất nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số không khoanh tay ngồi yên mà chủ động biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng để tạo thêm sinh kế, tìm cách thoát nghèo bền vững.

Nhớ lại những ngày nhận nhiệm vụ là Chủ tịch xã Ít Ong (Sơn La), anh Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Công tác giảm nghèo được cả hệ thống chính trị xã quan tâm thực hiện hiệu quả. Đó là quyết tâm của toàn xã cũng như mong muốn của bà con nhân dân trong việc tăng thu nhập và mức sống. Qua những khó khăn, toàn xã đã có kết quả đáng mừng, một số hộ gia đình đã thực sự thoát nghèo”.

Trên khắp mọi miền Tổ quốc, không khó để tìm thấy những mô hình do đồng bào dân tộc thiểu số không thụ động trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà năng động, sáng tạo, chủ động tìm sinh kế mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Những mô hình đó đã tạo thu nhập, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai, thiếu đất sản xuất có xu hướng diễn ra ngày càng phức tạp ở nơi bà con sinh sống.

Anh Hùng cho biết thêm, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, từ chương trình đưa trí thức trẻ về vùng khó khăn làm cán bộ xã, anh đã dùng những kiến thức mình học được từ giảng đường để bắt tay vào nghiên cứu đặc điểm của địa phương.

Hiểu được tình hình các hộ dân tại đây đa số là hộ nghèo, quanh năm chỉ trông chờ vào nương rẫy, chưa kể ảnh hưởng của thiên tai mất mùa, dịch bệnh khiến có những vụ mùa mất trắng. Đồng nghĩa với đó là cái nghèo đeo bám mãi, rồi các cháu nhỏ phải nghỉ học vì cơm còn chẳng đủ ăn nói gì đến học chữ.

Tăng cường tuyên truyền cho dân bản

Một mình thực hiện kế hoạch là khó khả thi, anh Hùng đã liên hệ với những người có kiến thức, kinh nghiệm để cùng nhau đưa ra ý tưởng xây dựng kế hoạch giúp bà con nhân dân thoát nghèo. Anh phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân, người thì tìm hiểu về chất đất, thổ nhưỡng địa phương hợp với trồng cây gì, người thì phân tích khí hậu theo mùa để xem có thể nuôi con gì,.... Riêng anh Hùng thường xuyên tìm hiểu qua sách báo, mạng để hiểu về các chương trình xoá đói giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các dự án hỗ trợ cho bà con vùng sâu vùng xa.

Bắt tay vào thực hiện mới biết không dễ dàng, bởi trình độ dân trí của bà con rất thấp, để hướng dẫn họ thay đổi cách làm vốn đã ăn sâu vào tiềm thức quả là khó. Chính vì vậy, thay vì tối nào cũng chia nhau đến nhà bà con vận động, nhóm các anh đã tự làm trước để bà con noi theo. Theo tính chất thổ nhưỡng tại địa phương, các anh đã mạnh dạn thay trồng cây lâu năm bằng cây ăn quả cho thu hoạch cao như bưởi, cam, chanh,... Đồng thời, trồng thêm các loại rau xanh để bán như rau muống, rau cải, các loại dưa, bí,.... và nuôi thêm gà.

Đồng thời, để tạo thêm công ăn việc làm cho những phụ nữ tại địa phương, anh Hùng đã thành lập tổ dạy nghề dệt vải, làm thổ cẩm và làm ra những bộ quần áo truyền thống của người dân tộc. Nhóm đã liên hệ, tập hợp những phụ nữ thất nghiệp, ở nhà nuôi con rồi dạy nghề và trao đổi kiến thức cùng nhau tăng thu nhập. Hiện, nhóm đã hoạt động ổn định, mở rộng được vùng nguyên liệu, có sản phẩm, có khách hàng tiêu thụ, không chỉ phục vụ du lịch mà còn từng bước tìm thị trường xuất khẩu…

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã nghe theo chủ trương của cán bộ, tăng gia sản xuất chuyển đổi từ chăn nuôi trâu, bò theo phương thức chăn thả bãi sang cách mới hiệu quả hơn. Bởi cách làm đó vừa khiến gia đình tốn nhân lực để chăn dắt, vừa đối mặt với nguy cơ trâu, bò chết rét vào mùa đông do thiếu thức ăn. Trồng cỏ nuôi trâu bò nhốt chính là phương pháp mới mà bà con nhân dân thực hiện, mang lại kết quả đáng mừng.

Cho đến nay, sau 3 năm thực hiện, bằng các biện pháp tuyên truyền, động viên, hướng dẫn bà con cùng nhau làm kinh tế, các hộ dân trong bản đã dần ổn định cuộc sống, biết cách chăn nuôi, trồng trọt đúng kỹ thuật, quy trình và có lãi sau mỗi vụ thu hoạch. “Nhờ được học tập và tìm hiểu các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, tôi đã áp dụng vào địa phương, cùng hỗ trợ giúp bà con có đời sống ấm no, các cháu yên tâm học tập, đời sống nhân dân khá hơn, mọi người sống vui vẻ, quan tâm tới hàng xóm tốt hơn”.

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.