Có điều, không giống như những “trận chiến” khác, khi kết thúc việc “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” dù mặt có sưng lên hay rớm máu thì họ cũng tay bắt mặt mừng và ôm nhau với ánh mắt rạng rỡ. Bởi đơn giản một lẽ, những hiềm khích của họ trong năm cũ đã ra đi hết…
Lễ hội Takanakuy ở Peru là một lễ hội độc đáo mà những người ở vùng đất có độ cao hơn 3.600m so với mặt nước biển này hết sức mong chờ và hiếm khi bỏ lỡ. Người ta đến với lễ hội để được hòa mình vào những cuộc vui chơi, ăn uống, ca hát và nhảy múa xuyên ngày đêm.
Từ các cô gái, chàng trai trẻ cho đến những thế hệ già hơn khi đến với lễ hội đều mặc những bộ trang phục nhiều màu sắc. Tất nhiên, họ cũng không quên thể hiện những vũ điệu đậm chất Latin. Tuy nhiên, sức hút lớn nhất của lễ hội nằm ở phần sau. Những người đàn ông có nhiều hiềm khích với nhau trong năm cũ, sẽ lao vào đánh nhau thật lực nhằm mục đích giải tỏa những mâu thuẫn.
Khi những người đàn ông lao vào đánh nhau, mọi người dân đến xem sẽ quây quanh sân đấu và thản nhiên xem những màn đánh đấm hết sức bạo lực. Sàn đấu cho các màn đánh đấm này thường là những sân chơi hoặc các bãi đất trống. Các “võ sỹ” tham gia màn đấu có thể là người lớn, trẻ nhỏ, là đàn ông hay đàn bà đều được. Tuy nhiên, phần lớn người tham gia “trận chiến” là các đấng mày râu.
Sở dĩ lễ hội này mang tên Takanakuy là bởi theo tiếng địa phương, từ này có nghĩa là “dòng máu đang sôi”. Và dù đúng là lễ hội dành cho những người đang có hiềm khích “xử lý” nhau nhưng trong “trận chiến” chủ yếu là những màn đấu ôn hòa, không có khả năng đe dọa đến tính mạng người. Đàn ông chủ yếu là đấm, đá còn phụ nữ chủ yếu dùng hình thức cấu véo.
Mỗi trận đấu thường kéo dài rất nhanh, đa số chưa đến 1 phút. Mục đích của Takanakuy là để giải quyết các khúc mắc của năm cũ, thường là tranh chấp dân sự hoặc mâu thuẫn cá nhân trên sân chơi cộng đồng. Đó có thể là tranh chấp tài sản, hận nhau vì bạn trai, bạn gái bị người khác cướp mất, ăn trộm cừu trên bãi chăn thả hay thậm chí là làm đổ bia của nhau trong những cuộc nhậu. Tất cả những xích mích trong năm được người dân nơi đây gom lại và “ghi sổ” để giải quyết trong trận đấu Takanakuy cuối năm. Bằng cách này, người ta tránh phải đưa nhau ra tòa hay tìm cách tống những đối thủ trong các tranh chấp dân sự vào nhà giam.
Hiềm khích cá nhân không phải là lý do duy nhất khiến mọi người tham gia vào các cuộc chiến trong lễ hội Takanakuy. Khi tham gia vào lễ hội độc đáo này, một số người muốn chứng minh sự can đảm và khả năng chiến đấu của mình. Còn một số người khác tham gia “trận chiến” vì mong nhận được sự tôn trọng của cộng đồng, hoặc đơn giản làm cho tự hào.
Khi rời khỏi trường đấu, một số người mang theo thương tích nhẹ. Cũng có người bị chảy máu, bong gân. Nhưng chắc chắn rằng không ai thấy tức tối bởi ai cũng hiểu rằng họ cần phải xả hết bực tức của năm cũ trước thềm năm mới. Vì lẽ đó mà với người ngoài, Takanakuy có vẻ như mang biểu hiện của khuynh hướng bạo lực, nhưng thực chất với người dân Chumbivilcas bản địa, đây là cách xử lý mâu thuẫn thông minh. Không chỉ vậy lễ hội này còn được xem là di sản văn hóa dân tộc của người Peru.