Khu vườn giữa rừng sâu
Mùa Hè ở Siberia không kéo dài lâu. Tuyết tan vào tháng 5 nhưng sẽ xuất hiện lại vào tháng 9, biến những cánh rừng taiga trở thành bức tranh phong cảnh tĩnh lặng tuyệt đẹp. Khu rừng ấy trải dài hàng trăm cây số với những rừng thông và bạch dương mọc lởm chởm, ngọn núi dốc đứng, dòng sông nước trắng xóa.
Taiga vốn là ngôi nhà của các loài động vật hoang dã chứ không dành cho con người. Tuy nhiên, vào năm 1978, các nhà thám hiểm Liên Xô tình cờ phát hiện một gia đình 5 người sống trong rừng taiga, Siberia. Họ đã cắt đứt mọi liên lạc với con người kể từ khi chạy trốn vào năm 1936.
Vào buổi sáng buốt giá năm 1978, một phi công khi đang tập lái máy bay thì phát hiện một điều kì lạ. Giữa những hàng cây mọc lởm chởm trên sườn núi có một khoảng đất trống với những rãnh dài như thửa ruộng. Phi công nghi ngờ đây là một khu vườn, dấu hiệu của con người.
Ngọn núi này cách khu dân cư gần nhất gần 250 km, nằm trong khu vực hoang dã chưa được khám phá. Chính phủ Liên Xô không có dữ liệu về những người sống ở đây. Một đội thám hiểm đã tiếp cận nơi được cho là khu vườn. Theo hướng chỉ của phi công, đoàn phát hiện ra nhiều dấu vết của con người như một con đường gồ ghề, khúc gỗ nằm ngang con suối, nhà kho nhỏ đựng khoai tây khô.
Bên cạnh dòng suối là một ngôi nhà. Bị thời gian tàn phá, ngôi nhà trông nhỏ bé, cũ kĩ và lụp xụp. Nếu không có ô cửa sổ nhô ra, không ai nghĩ có người sống trong ngôi nhà tồi tàn đó.
Nghe thấy tiếng người lao xao, một ông già chậm rãi xuất hiện sau cánh cửa. Đi chân trần, mặc chiếc áo vá bằng vải bố, ông trông rất sợ hãi xen lẫn tò mò. Đại diện đoàn cất lời: “Chào ông. Chúng tôi đến thăm mọi người”.
Sau một hồi lưỡng lự, cụ ông lẩm bẩm: “Được rồi, vì mọi người đã đi xa đến thế nên mọi người có thể vào trong”.
Cuộc sống như thời Trung cổ
Ngôi nhà không khác gì một cái hang, lạnh như hầm rượu. Cảnh tượng bên trong nhà giống như thời Trung cổ. Sàn nhà lát vỏ khoai tây và vỏ hạt thông. Đột nhiên, trong căn nhà tối om vang lên tiếng than khóc của hai người phụ nữ.
Họ vừa nhìn về phía đoàn thám hiểm với ánh mắt sợ hãi, vừa lẩm bẩm đọc kinh. Các nhà khoa học vội vã lùi ra khỏi túp lều và đóng trại ở một địa điểm cách đó vài mét. Trời ngả tối, họ bắt đầu chế biến thức ăn đóng hộp.
Sau khoảng nửa giờ, người đàn ông lớn tuổi cùng 2 cô con gái xuất hiện. Họ không còn vẻ hoảng loạn mà thận trọng quan sát. Cả ba ngồi xuống bên cạnh những vị khách, từ chối thưởng thức mứt, trà, bánh mì.
Khi được hỏi đã bao giờ thấy bánh mì chưa, cụ ông trả lời: “Tôi thì rồi nhưng các cháu thì không. Chúng chưa bao giờ nhìn thấy nó”. Ông già nghe hiểu tiếng Nga còn những cô con gái nói chuyện bằng một ngôn ngữ bị bóp méo bởi cuộc đời cô lập.
Qua nhiều chuyến viếng thăm, đoàn thám hiểm đã mường tượng toàn bộ câu chuyện về gia đình này. Ông già tên là Karp Osipovich Lykov, một cựu tín đồ tôn giáo. Ông và những thành viên trong giáo phái đã bị tấn công, ngược đãi do xung đột tôn giáo.
Mọi chuyện dần tồi tệ hơn khi đám đông cuồng tín tấn công những người không cùng giáo phái, thậm chí cố tình thanh trừng những người chống đối. Anh trai của Lykov đã bị bắn chết. Sợ bị trả thù, Lykov dẫn gia đình chạy trốn vào rừng.
Cuộc sống tự cung, tự cấp
Đó là năm 1936, gia đình Lykov chỉ có 4 người là Lykov, vợ ông Akulina, con trai Savin 9 tuổi và con gái Natalia 2 tuổi. Mang theo đồ đạc và một ít hạt giống, họ vào sâu trong rừng taiga và sống “tự cung tự cấp”.
Hai đứa trẻ đã được sinh ra ngoài tự nhiên là Dmitry vào năm 1940 và Agafia vào năm 1944. Lũ trẻ chỉ biết đến thế giới bên ngoài qua lời kể của cha mẹ chúng và thế giới đấy cực kì đen tối.
Cuộc sống của gia đình Lykov trong vòng cô lập hết sức khó khăn, phụ thuộc vào những món đồ mang theo và tìm cách sống sót dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Họ dùng vỏ cây bạch dương làm giày. Quần áo được vá chằng vá đụp cho đến khi chúng rách bươm, phải thay thế bằng vải cây gai dầu.
Nhà Lykov không thể nấu ăn vì nồi niêu mang theo hỏng dần theo thời gian, chủ yếu ăn khoai tây trộn, lúa mạch đen xay và hạt cây gai dầu. Vào mùa Hè, họ có thể thu hoạch quả việt quất, mâm xôi, hạt thông xung quanh khu rừng nhưng khi trời trở lạnh, cả nhà phải sống giữa cơn đói.
Đến năm 1950, Dmitry trưởng thành, bắt đầu tập bẫy động vật lấy thịt và da. Không có súng hoặc cung, cậu bé chỉ có thể đào bẫy hoặc truy đuổi con mồi qua các ngọn núi cho đến khi chúng kiệt sức. Nhờ thế, Dmitry đã rèn luyện được thể chất và sức bền đáng kinh ngạc.
Cậu có thể đi săn vào mùa Đông trong nhiều ngày. Dù vậy, quanh năm nhà Lykov luôn bị đói. Họ cố gắng trồng trọt nhưng thời tiết khắc nghiệt và động vật hoang dã phá hoại. Vì nhường phần ăn của mình cho các con, bà Akulina đã chết vì đói vào tháng 2/1961.
Khi các nhà thám hiểm đến, ông Lykov rất say mê lắng nghe về những cải tiến mới nhất trong lĩnh vực khoa học. Dù không tin con người đã đặt chân lên Mặt trăng nhưng ông thích thú với ý tưởng về vệ tinh.
Gia đình Lykov đã nhận thấy chúng từ những năm 1950, khi “các ngôi sao di chuyển nhanh hơn trên bầu trời”. Bản thân Lykov cũng tự giải thích điều này rằng: “Mọi người đã nghĩ ra một vật gì đó và cho nó phát ra ánh sáng như những ngôi sao”.
Trong các thành viên gia đình Lykov, người khiến các nhà thám hiểm chú ý nhất là cậu con trai Dmitry, một người đàn ông thuộc về rừng núi. Anh biết tất cả về rừng taiga và cũng là người chịu khó nhất nhà. Dmitry đã tự xây dựng bếp lò, dùng vỏ cây bạch dương bện thành giỏ đựng thức ăn.
Sau một thời gian làm quen, hai bên dần trở nên gắn bó. Những nhà thám hiểm tặng cho gia đình Lykov nhiều món đồ hiện đại nhưng họ chỉ nhận một thứ duy nhất, là muối. Sống hơn 4 thập kỉ thiếu muối với ông Lykov là điều cực kì khó khăn.
Mỗi khi ăn khoai tây hay những món tạm bợ, vợ chồng ông lại nhớ đến vị mằn mặn của muối, gia vị giúp tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể. Dần dần, cha con Lykov chấp nhận nhiều món đồ tiếp tế hơn như chăn, tất len, ngũ cốc… Họ chủ yếu nhận nhu yếu phẩm, không muốn nhận những phát minh “kì lạ” của con người.
Tái hòa nhập
Các nhà thám hiểm đã cố gắng thuyết phục ông Lykov và con cái rằng thế giới ngoài kia đã khác xưa và không còn những kẻ vô lối như trước đây. Dù vậy, vì đã sống trong rừng quá lâu, đến mức người cha quên đi nền văn minh nhân loại, họ không muốn quay lại xã hội.
Đến mùa Thu năm 1981, 3 năm sau khi đoàn thám hiểm phát hiện và gắn kết với gia đình Lykov, họ cũng chịu hòa nhập. Thế nhưng, 3 trong 5 thành viên gia đình đột ngột qua đời. Một số người cho rằng cái chết của họ là do tiếp xúc với những căn bệnh truyền nhiễm của nhân loại do họ không có khả năng miễn dịch. Dmitry chết vì viêm phổi do lây từ một người bạn mới làm quen trong thế giới mới. Savin và Natalia chết vì suy thận.
Chính phủ Liên Xô đã cố gắng thuyết phục ông Lykov và con gái Agafia trở về ngôi làng cũ, nơi họ hàng của họ vẫn đang sống. Nhưng Lykov một mực từ chối với lý do ông đã quen với khu rừng.
Agafia theo đoàn thám hiểm trở về Liên Xô, được giới truyền thông tích cực săn đón. Cô thậm chí còn đi “vòng quanh đất nước” để chia sẻ câu chuyện về cuộc sống hoang dã của gia đình mình. Tuy nhiên, Agafia bị ngộp trước đám đông và những tòa nhà đồ sộ. Sau một tháng làm quen với thế giới của con người, Agafia quyết định quay lại túp lều nhỏ trong khu rừng, nơi cô lớn lên cùng bố mẹ và các anh chị em.
Ngày 16/2/1988, Karp Lykov qua đời trong giấc ngủ. Agafia chôn cất bố trên sườn núi với sự giúp đỡ của các nhà địa chất rồi quay về nhà. “Tôi sẽ ở lại. Đó là nhà của tôi”, Agafia nói.
Năm 1994, nhà báo Vasily Peskov đã xuất bản cuốn sách kể về gia đình mang tên “Lost in the Taiga: One Russian Family’s Fifty-Year Struggle for Survival and Religious Freedom in the Siberian Wilderness”. Nhờ đó, cuộc sống của họ được cả thế giới biết đến. Cuốn sách đã được một đạo diễn người Pháp mua bản quyền và chuyển thể thành phim.
Agafia vẫn sống trong khu rừng taiga hoang dã. Bước sang tuổi 80, cụ bà đã và đang được Chính phủ Nga hỗ trợ. Mới đây, tỷ phú người Nga Oleg Deripaska đã bỏ tiền xây tặng Agafia một ngôi nhà gỗ. Bà cũng sử dụng một chiếc điện thoại di động nhỏ để liên lạc khi cần. Các tình nguyện viên thường xuyên đến ngôi nhà biệt lập này để giao thuốc, thức ăn và giúp bà việc nhà, nhất là trong những ngày giá lạnh.