Xóa bỏ định kiến nghề trong đào tạo STEM

GD&TĐ - STEM khuyến khích HS sử dụng kiến thức tổng hợp của các môn liên quan để tham gia vào các hoạt động giải quyết vấn đề, với sự trợ giúp của các công cụ và phương pháp dạy học phù hợp. 

Đại sứ STEM hướng dẫn HS thực hiện các dự án thông qua mô hình giải quyết vấn đề TRIAL (ảnh do Hội đồng Anh cung cấp).
Đại sứ STEM hướng dẫn HS thực hiện các dự án thông qua mô hình giải quyết vấn đề TRIAL (ảnh do Hội đồng Anh cung cấp).

Tuy nhiên, những định kiến nghề nghiệp đang là rào cản khiến cho nhiều nữ sinh thiếu tự tin trong việc tìm hiểu và lựa chọn theo học các ngành nghề liên quan đến STEM.

Chia sẻ kiến thức và cơ hội

Tham gia vào quá trình thực hiện dự án “Thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của nữ sinh trong khoa học và đổi mới sáng tạo thông qua giáo dục STEM và các kỹ năng số”, ông Alessio Bernardelli - Nhà sáng lập tổ chức CollaboratEd chia sẻ: “Khi tôi yêu cầu HS hình dung về nhà khoa học, thường các em sẽ vẽ một người đàn ông đầu tóc bù xù hoặc hói làm việc trong phòng thí nghiệm và là người da trắng”.

Đây là những định kiến sai lầm khá phổ biến, khiến cho nữ sinh trở nên ngại ngần, thiếu tự tin trong việc tìm hiểu và lựa chọn theo học các ngành nghề liên quan đến STEM.

Cùng trao đổi về đào tạo STEM, PGS. TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học GD Việt Nam cho biết, những ngầm định về phẩm chất nghề nghiệp cho trẻ em hướng tới như các bé gái làm những công việc thiên về chăm sóc, nấu ăn, khâu vá… trong khi các bé trai thường làm những công việc có xu hướng sáng tạo như ô tô, xếp hình, dụng cụ sửa chữa…

Những định kiến đó cũng có trong trường học, khi cần hỗ trợ trong các thí nghiệm khoa học thì HS nam sẽ được gọi nhiều hơn, điều này dẫn đến sự tự ti của các em gái, cho rằng mình không giỏi bằng các bạn trai trong các môn STEM.

Bà Donna McGowar, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho rằng: Trên thế giới, mối quan tâm và những công việc liên quan đến STEM đang suy giảm do nhận thức của xã hội còn chưa cao.

Người ta còn cho rằng các môn học STEM chủ yếu dành cho trẻ em trai. Chính vì vậy, việc thu hút HS nữ tham gia GD STEM rất quan trọng, để có thể chia sẻ kiến thức và tìm hiểu các cơ hội và định hướng nghề nghiệp về STEM ngay từ trường phổ thông. Đây cũng là một vấn đề đang ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới.

Đòn bẩy cho những thay đổi đột phá

Mục đích của dự án là phát triển những kỹ năng STEM cho HSSV, đặc biệt tập trung vào đối tượng nữ sinh, giúp cho các em thấy rằng các kỹ năng và môn học STEM là dành cho chính các em.

Dự án đã tiến hành các trại tập huấn, trong đó tập huấn cho các đại sứ STEM chủ yếu là các học giả, nhà nghiên cứu là nữ giới, những đại sứ STEM này tiếp tục tập huấn cho HS. Trong một thời gian ngắn, dự án đã tiếp cận được nhiều trường và rất nhiều HS.

Dự án Đại sứ STEM do Hội đồng Anh tại Việt Nam thực hiện từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019 đã giới thiệu các kỹ năng STEM cho hơn 1.000 HS THCS và THPT, trong đó có 80% là nữ ở 28 trường học thuộc 7 tỉnh/thành phố. 

Ông Alessio cho biết: Mô hình phát triển kỹ năng STEM (TRIAL) bao gồm: Nhiệm vụ (Task) - Nhớ lại (Recall) - Ý tưởng (Ideas) - Thực hành (Apply) - Đọng lại (Learnt). Đây là khuôn khổ cơ bản giúp cho HS có thể phân tích và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

Chúng tôi thường áp dụng mô hình này trong quá trình giảng dạy và tập huấn. Qua đó giúp các em sự tự tin để quyết định theo học một môn học STEM, định hướng nghề nghiệp từ STEM.

“Sau khi vận dụng mô hình này ở các trường phổ thông chúng tôi thấy được hiệu quả rõ ràng, các em HS không chỉ thể hiện được sản phẩm ở kết quả cuối cùng, mà còn mô tả được các bước đã trải qua một cách chặt chẽ.

Sau dự án, sự tự tin của các em HS đã tăng đáng kể. Rất nhiều HS cho rằng, mình hoàn toàn có đủ khả năng theo đuổi các môn học trong ngành STEM, điều mà trước đây các em nghĩ là mình không thể”, ông Alessio cho biết.

Về phía lãnh đạo các nhà trường, sau khi dự án kết thúc đã có những thay đổi nhận thức về STEM, 90% lãnh đạo các trường cho rằng, tác động của dự án là rất lớn, họ cũng đánh giá cao công việc của các đại sứ STEM trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ