Để giáo dục STEM triển khai rộng trong các trường học

GD&TĐ - Chương trình giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán) đã được triển khai rộng rãi trên thế giới từ nhiều năm, giúp cho học sinh phát triển toàn diện, phát huy những tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ, tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ. 

Để  giáo dục STEM  triển khai rộng trong các trường học

Ở nước ta, khái niệm này còn mới mẻ với đa số giáo viên và nhà trường trong đó có hệ thống trường trung học cơ sở (THCS). Việc đưa chương trình giáo dục STEM vào trong các nhà trường tạo điều kiện cho HS tiếp cận gần hơn khoa học kỹ thuật.

Hội nhập thế giới

GS.TS Nguyễn Đức Chính, Trường Đại học Giáo dục cho biết: Chương trình giáo dục STEM đã được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới và trong khu vực châu Á từ lâu. Tại Việt Nam, từ năm 2016, Bộ GD&ĐT đã cho triển khai thí điểm giáo dục STEM ở 14 trường THCS và THPT.

Trong chỉ đạo nhiệm vụ năm học 2016 - 2017, Bộ GD&ĐT khẳng định: Tiếp tục quán triệt tinh thần giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kĩ thuật - toán (Science - Technology - Engineering - Mathematic: STEM) trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở những môn học liên quan. Vì vậy, việc triển khai thí điểm giáo dục STEM tại một số trường đã lựa chọn. Tuy nhiên với đại đa số các trường học, giáo viên và học sinh, hầu như chưa có điều kiện tiếp cận với mô hình giáo dục STEM.

Với mục đích đưa chương trình giáo dục STEM vào giảng dạy trong các nhà trường, Chương trình Tập huấn “Phương pháp Giáo dục theo định hướng STEM” dành cho 22 lãnh đạo và 54 giáo viên bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và Công nghệ cấp THCS và THPT tại 14 trường tham gia thí điểm dự án Giáo dục STEM đã được tổ chức.

Để khuyến khích các trường áp dụng Chương trình giáo dục STEM, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức các cuộc thi tăng cường nhận thức, sáng tạo và triển khai giáo dục STEM các cấp từ huyện, tỉnh, tới quốc gia. Đó là các cuộc thi: Cuộc thi khoa học sáng tạo kĩ thuật cho thanh thiếu niên, Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học, Cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn, Cuộc thi - Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ, Cuộc thi sáng tạo Robot “ROBOCON”…

Đưa chương trình vào nhà trường

GS.TS Nguyễn Đức Chính cho rằng, các nghiên cứu và đánh giá việc triển khai Chương trình giáo dục STEM còn ít và chưa đưa ra được các kết luận và khuyến nghị mang tính chiến lược và cụ thể về giáo dục STEM quy mô quốc gia. Việt Nam chưa có chiến lược và kế hoạch quốc gia tổng thể về Chương trình giáo dục STEM cho hệ thống trường học. Việc giáo dục STEM cho các trường học phổ thông mới dừng lại ở mô hình thí điểm tại một số trường ở một số thành phố.

Theo GS.TS Nguyễn Đức Chính cần phải tăng cường giáo dục STEM ở các trường THCS. Bộ GD&ĐT nên phối hợp với các bộ, ban ngành chức năng thành lập Hội đồng Giáo dục STEM quốc gia; Chỉ đạo và hướng dẫn việc triển khai giáo dục STEM cấp quốc gia.

Bộ GD&ĐT có chính sách và cho phép thành lập và giao nhiệm vụ cho các trung tâm nghiên cứu, đào tạo giáo dục STEM ở các Viện Nghiên cứu, các trường đại học. Song song với đó, ngành cần tổ chức biên soạn và ban hành chương trình khung đào tạo giáo viên và chương trình chuẩn dùng trong giảng dạy ở các trường học và xây dựng trang web các tài liệu, học liệu mở dễ dàng truy cập.

Cần có kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên chuyên trách STEM cũng như gia tăng nhận thức về STEM cho giáo viên các bộ môn khoa học khác; Đổi mới phương pháp giảng dạy, và chú trọng khuyến khích giáo dục STEM cho học sinh nữ. Các sở giáo dục, trường học tại các địa phương cần đưa nội dung giáo dục, sinh hoạt STEM vào nội dung kế hoạch năm học, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các cuộc thi khoa học kĩ thuật; Thường xuyên đánh giá việc triển khai, đo lường hiệu quả và đề xuất các hiệu chỉnh để đạt hiệu quả cao hơn.

Theo sự chỉ đạo định hướng của Bộ GD&ĐT, một số Sở GD&ĐT tại các tỉnh đã bắt đầu quan tâm tập huấn và đào tạo giáo viên STEM. Các tập đoàn, công ty giáo dục cũng bắt đầu triển khai đào tạo STEM tích hợp với khoa học máy tính, robot, các kỹ năng học tập thế kỉ 21 cho các lứa tuổi từ mẫu giáo tới trung học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ