Cơ hội trong cách mạng công nghiệp 4.0

GD&TĐ - Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều trường đại học đang nỗ lực để cải cách và đổi mới. Trong đó, xu hướng giáo dục đại học STEM đang là lựa chọn của nhiều trường. 

Cơ hội trong cách mạng công nghiệp 4.0

Với xu hướng giáo dục này, chất lượng đào tạo sẽ được nâng lên đáng kể; sinh viên ra trường cơ hội tìm việc cũng rộng mở hơn.

Đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

STEM là chữ viết tắt theo tiếng Anh của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ) Egineering (kỹ thuật) và Math (toán học).

Đối với vùng ĐBSCL, tiềm năng để các trường đại học phát triển theo mô hình giáo dục đại học STEM là rất lớn. Đặc biệt là trong bối cảnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tính năng động và khả năng thích nghi với nền kinh tế và thị trường việc làm luôn thay đổi.

Theo chia sẻ của các giảng viên, giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp sinh viên không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Người học tiếp cận giáo dục STEM đều có những ưu thế nổi bật như: Kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn, khả năng sáng tạo, tư duy logic, hiệu suất học tập và làm việc vượt trội và có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện hơn trong khi không hề gây cảm giác nặng nề, quá tải…

Tại ĐBSCL, hiện có 7 trường đại học và cao đẳng với hơn 90 chuyên ngành đào tạo liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học với gần 60.000 sinh viên đang theo học, cung cấp hơn 9.000 cử nhân, kỹ sư hàng năm. Đây là nguồn nhân lực đa dạng cung ứng cho thị trường lao động trong và ngoài vùng, nhưng vẫn mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.

Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Với vị thế là trường đại học trọng điểm ở ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ đã có những bước tiến dài trong chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế.

Những năm qua, trường đã tích cực đổi mới và phát triển không ngừng về cơ chế tiếp cận lẫn chất lượng trong đào tạo. Riêng các chuyên ngành STEM được đầu tư trọng tâm, bài bản và hiện đại với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu hoàn thiện và chương trình đào tạo ngày càng tiếp cận với xu hướng của thế giới…

Theo trao đổi của lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, STEM là một bước đi, một lựa chọn đột phá và sáng tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Để đáp ứng trước yêu cầu này cần phải đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa các cơ sở giáo dục đại học, các doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL…

Chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo chương trình STEM, TS Nguyễn Thị Kim Chung - Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Thủ Dầu Một, cho biết: Thực tế sinh viên học các lớp dạy theo định hướng STEM sẽ nhìn thấy rõ triển vọng nghề nghiệp trong tương lai và có khả năng giải quyết vấn đề thực tế tốt hơn, có kỹ năng tư duy và vận dụng kiến thức liên ngành để giải quyết. Các kỹ năng về thực hành khoa học, kỹ thuật và làm việc theo nhóm rất tốt.

Cần sự linh hoạt từ nhà trường

Để phát triển chương trình giáo dục đại học STEM, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Giáo dục, đặc biệt là nỗ lực từ nhà trường. Trong đó phải đẩy mạnh sự hợp tác trường đại học - doanh nghiệp nhằm đáp ứng cho sự phát triển của ĐBSCL, đảm bảo chất lượng của các chương trình STEM.

Nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải trình, các chương trình đào tạo STEM trực tuyến, chính sách nghiên cứu và đổi mới trong các chương trình STEM. Đào tạo giáo viên cho giáo dục STEM ở cấp trung học… Bên cạnh việc tạo điều kiện để thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao hiểu biết về vai trò của lĩnh vực giáo dục đại học STEM.

Cũng cần đánh giá và phân tích thực trạng, những điểm mạnh và những thách thức của giáo dục STEM ở ĐBSCL nói chung để từ đó có những khuyến nghị chính sách thiết thực định hướng cho sự phát triển giáo dục đại học STEM cho vùng trong thời gian tới…

Từ thực tế đào tạo các ngành học theo định hướng STEM, các trường đại học, cao đẳng đã tiến đến chủ động đổi mới sáng tạo trong thiết kế chương trình và nội dung giảng dạy.

Việc đổi mới này trên cơ sở dựa vào thế mạnh, đặc thù của từng địa phương, thay vì rập khuôn một khung chương trình thống nhất toàn quốc. Ưu điểm của giáo dục đại học STEM là tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc của cuộc cách mạng 4.0 và thích nghi với nền kinh tế, thị trường luôn thay đổi...

Thạc sĩ Đào Phong Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ sự quan tâm đến giáo dục đại học STEM về chương trình đào tạo, trình độ giảng viên và đầu vào sinh viên cũng như cơ sở vật chất. Theo Thạc sĩ Lâm: Để giáo dục đại học STEM phát triển, trước tiên chương trình đào tạo phải phù hợp với kinh tế - xã hội - văn hóa của địa phương. Thứ hai là giảng viên phải được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy STEM. Thứ ba là đầu vào sinh viên phải đảm bảo chất lượng và cuối cùng là trang thiết bị giảng dạy hiện đại từ nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp và được luân phiên sử dụng lẫn nhau giữa các trường đại học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ