TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Tổng giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) trao đổi cùng Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề ổn định tâm lý HS sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đại học không phải là con đường duy nhất
+ Thưa TS Vũ Việt Anh, nếu HS chỉ dừng lại ở tốt nghiệp THPT, điểm không đủ để xét tuyển ĐH thì các em cần chuyển hướng ra sao với định hướng học tập, nghề nghiệp?
Để định hướng được nghề nghiệp, các bạn trẻ cần tham khảo lý thuyết “Con Nhím” hoặc Lý thuyết Ikigai của người Nhật. Hãy xác định: Điều bạn thích; Điều thế giới cần; Điều bạn được trả tiền; Điều bạn giỏi.
Tìm được điều này, chúng ta sẽ tìm được công việc có vị trí trong xã hội, phù hợp với đam mê và khả năng của bản thân, đồng thời hoàn thành các nghĩa vụ cá nhân với cộng đồng. Đây chính là bí quyết tạo nên một cuộc sống viên mãn.
Không nhất thiết phải học ĐH để có được 4 yếu tố trên. Thay vào đó chúng ta có thể lựa chọn học một ngành nghề mà chúng ta yêu thích, ngành nghề dự kiến phát triển mạnh mẽ trong tương lai để chuẩn bị cho bản thân.
Du học tại chỗ cũng là lựa chọn của nhiều các bạn trẻ để tiếp cận được với những ngành nghề “hot” mà thế giới đang cần.
Học nghề chưa bao giờ là thừa trong nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như đất nước ta. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Rất nhiều ngành nghề học thời gian ngắn nhưng ra trường luôn có việc làm và thu nhập cao như: Lập trình viên quốc tế, Marketing Online, Truyền thông PR…
Với định hướng quốc gia khởi nghiệp của chính phủ trong 6 nhóm lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Du lịch, Công nghệ, Nông nghiệp chất lượng cao, Fintech.. vô vàn các cơ hội để các bạn trẻ có thể lập thân, lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp của riêng mình để thành công.
Mặt khác, các tổ chức, đoàn thể luôn có các chương trình tập huấn về khởi nghiệp nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức, ý tưởng giúp các bạn có thể làm giàu, thành công bằng chính năng lực của mình.
Du học, du học nghề hiện nay có nhiều quốc gia có chính sách ưu đãi rất tốt cho du HS học nghề, hãy tìm kiếm lĩnh vực phù hợp, quốc gia phù hợp để chúng ta bắt đầu.
+Trong thực tế, có minh chứng nào cho thấy của việc thành công không nhất thiết phải bước ra từ trường Đại học?
Chúng ta có thể thấy trong top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, khá nhiều gương mặt chưa tốt nghiệp đại học.
Có thể điểm mặt 5 “anh tài” tỷ phú không học ĐH như ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai); ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen; ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Thủy sản Hùng Vương; bà Chu Thị Bình - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc MPC và bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai (top 15 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2012)…
Nhưng điều này không có nghĩa là họ không học, họ học rất nhiều từ trải nghiệm, từ cuộc sống, từ sách vở, từ chuyên gia.
Nhiều gương mặt trong Khởi nghiệp Quốc gia, giàu lên từ làng… cũng minh chứng cho chúng ta thấy ĐH không phải là cánh cửa duy nhất để đi đến thành công.
Đối diện cùng thử thách
+ Điều gì sẽ diễn ra nếu HS tự tạo quá nhiều áp lực cho bản thân sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học?
Stress, căng thẳng thậm chí trầm cảm là các vấn đề thường gặp của HS sau mỗi kỳ thi. Theo thống kê của Khoa Khám bệnh trẻ em, bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2011 có 25.000 lượt bệnh nhân đến khám. Năm 2012 tăng lên 28.000 lượt bệnh nhân và năm 2013 thì con số bệnh nhân đến khám là 32.000 lượt.
Mỗi em đến đây khám đều có biểu hiện bệnh lý tâm thần khác nhau, có em thì rối loạn lo âu, có em bị chứng trầm cảm... Tuy nhiên một điều đáng nói có nhiều em trầm cảm nghiêm trọng đã dẫn đến hành vi tự hủy hoại bản thân.
+ Thiếu sự động viên, chia sẻ của gia đình sẽ đẩy tâm lý HS đến mức độ nguy hiểm ra sao?
Khi bố mẹ thấy những biểu hiện bất thường của con em mình như thường xuyên trong tình trạng lơ mơ, hay cáu gắt, lo âu, nghiêm trọng hơn là những trường hợp có biểu hiện loạn thần như nói năng lung tung, dễ khóc, dễ cười, hoảng sợ, ngại tiếp xúc với mọi người... thì nên động viên, quan tâm, khích lệ con thay vì chỉ trích, trách mắng…
Hơn lúc nào hết, "hậu" các kỳ thi là giai đoạn để cha mẹ gần gũi, chia sẻ, đồng hành cùng con.
+ Ông có thể hướng dẫn cha mẹ về cách đồng hành với HS để các em không rơi vào tình trạng thương tổn tâm lý khi không đạt kết quả tốt trong kỳ thi.
Cùng con tham gia những hoat động chung như đi chợ, cùng nấu một món ăn, chơi cùng con một môn thể thao, đi du lịch dã ngoại tìm hiểu cuộc sống xung quanh… chính là cách chuyển hóa sự tập trung tâm lý sang một hướng tích cực, tốt đẹp hơn, giúp các bạn trẻ tự tin vào bản thân và thấy mình là người có ích cho cộng đồng, xã hội..
+ Bản thân HS cũng cần chuẩn bị tâm lý đương đầu và chấp nhận với những điều nằm ngoài mong muốn trong thi cử ra sao?
Không có thất bại, chỉ có thêm bài học kinh nghiệm. Mỗi thử thách đến với chúng ta chính là dịp để chúng ta nhìn nhận lại bản thân, thay đổi thói quen, lối sống để phù hợp với thực tế.
Chúng ta cần điều chỉnh phương pháp học tập, đặt lại mục tiêu phù hợp, có kế hoach hành động chi tiết, cam kết với bản thân, kiên trì hành động thì nhất định các bạn sẽ có những kết quả thay đổi đáng kể.
Một năm sẽ trôi qua rất nhanh, những điều tốt đẹp đang còn ở phía trước. Một năm chính là cơ hội để chúng ta trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức, thái độ sống và rèn luyện thói quen và nhân cách tốt.
+Cảm ơn TS Vũ Việt Anh đã tư vấn!