Vun đắp niềm tin

GD&TĐ - Công tác tuyển sinh ĐH - CĐ cũng như đầu các cấp học phổ thông, mầm non diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều tỉnh/ thành phải thực hiện giãn cách xã hội.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thực tế này khiến không ít thí sinh, phụ huynh âu lo về việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ khi không thể di chuyển, giao nhận trực tiếp. Nỗi lo ngại chậm trễ thủ tục, không nắm bắt kịp thông tin có thể dẫn đến mất quyền được vào học ở một ngôi trường nào đó, được nhiều phụ huynh, thí sinh chia sẻ.

Hiểu được khó khăn và tâm tư của phụ huynh, học sinh, trường ĐH-CĐ cũng như ngành Giáo dục các địa phương đã chủ động triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ chu đáo. Không chỉ dành chỉ tiêu, mở thêm phương thức tuyển sinh mới đón thí sinh đặc cách, trường ĐH, CĐ còn lùi thời gian nhập học, chuyển sang hình thức nhập học trực tuyến để thuận tiện hơn cho thí sinh đang cư trú trong vùng dịch. Đặc biệt, nhiều trường còn lập đường dây nóng 24/24 giờ để trực hướng dẫn, giải đáp thắc mắc kịp thời, thậm chí cho phép thí sinh nộp hồ sơ nhập học trễ nhưng có lý do chính đáng.

Các trường THPT cũng tăng cường hỗ trợ học sinh hoàn thiện các giấy tờ đáp ứng thủ tục nhập học như trả học bạ, giấy chứng nhận kết quả thi và kết quả tốt nghiệp, giấy chứng nhận đạt giải các cuộc thi… Không chỉ có đội ngũ cán bộ văn phòng, các trường còn huy động cả giáo viên chủ nhiệm vào cuộc để chụp ảnh, scan, gửi file qua Zalo, email, hoặc gửi bưu điện nếu thí sinh cần bản giấy. Nhiều trường còn miễn phí chi phí gửi phát chuyển nhanh hồ sơ cho học sinh. Ở một số nơi hoạt động giao nhận còn khó khăn như Đồng bằng sông Cửu Long, được Ban phòng chống dịch bệnh Covid-19 các phường/ thôn xóm cho phép, thầy cô còn chịu khó làm shipper miễn phí chuyển hồ sơ cho trò.

Nếu như trường ĐH, CĐ, THPT đẩy mạnh hỗ trợ học sinh xét tuyển, nhập học ĐH, CĐ, thì ở các trường tiểu học, THCS, phòng GD&ĐT lại tăng cường hỗ trợ công tác tuyển sinh đầu cấp. Để phòng dịch và tạo điều kiện cho phụ huynh làm thủ tục từ xa, tại TPHCM nơi công tác tuyển sinh đầu cấp đang trong giai đoạn nước rút, song song với việc phát huy cổng trực tuyến để phụ huynh cập nhật giấy tờ từ bất cứ đâu, các trường còn tận tình rà soát, tư vấn cho những đối tượng trái tuyến, về quê tránh dịch, để học sinh không mất chỗ học.

Những trường hợp có tên trên hệ thống mà phụ huynh chưa kịp cập nhật thông tin, nhà trường sẽ gọi điện, không gọi được cho cha mẹ, thì gọi cho ông bà, tổ dân phố báo tin… “Phòng chỉ đạo trường rà soát, phối hợp cùng với địa phương cập nhật lại để quận tạo điều kiện cho các em có chỗ học trong năm học mới khi trở lại thành phố” - ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, TPHCM cho biết.

Cùng với các cơ sở giáo dục, các tổ chức đoàn thể cũng nhiệt tình vào cuộc. Ở Đồng Tháp, lực lượng tình nguyện Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, đội ngũ dân phòng các chốt kiểm dịch đã phối hợp với nhà trường hỗ trợ chuyển hồ sơ, giấy báo điểm đến học sinh giữa mùa dịch. Mô hình này đã và đang nhận được sự hoan nghênh của phụ huynh và thí sinh.

Thực hiện tuyển sinh trong bối cảnh giãn cách xã hội là việc không hề dễ dàng. Nhưng với sự linh động, sáng tạo, đặc biệt là với tấm lòng và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, sự chung sức của cộng đồng, những khó khăn đang dần được tháo gỡ, quyền lợi của học sinh được bảo đảm. Niềm tin vào giáo dục đã và đang được vun đắp bằng những việc tận tâm và nhân văn dành cho học sinh như thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.