Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Tăng cường quyền tự chủ các trường ĐH, CĐ
Bộ GD&ĐT có định hướng tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 như thế nào trên cơ sở rút kinh nghiệm từ kỳ tuyển sinh năm nay?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 cơ bản thành công. Một số trục trặc nhỏ trong công tác xét tuyển, chúng ta đã có phương án xử lý kịp thời.
Trong Hội nghị tổng kết năm học 2014 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2015 – 2016 khối ĐH, CĐ, chúng tôi sẽ đưa ra những ý tưởng đầu tiên điều chỉnh công tác xét tuyển ĐH sắp tới để các nhà trường, nhà giáo cùng thảo luận.
Theo đó, năm 2016, một mặt tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; mặt khác hạn chế các bất cập theo định hướng tăng quyền tự chủ cho các trường.
Ví dụ, Bộ sẽ không cấp giấy báo điểm, cho thí sinh tự do đăng ký vào các trường …Tuy nhiên, cách này thí sinh ảo sẽ rất lớn.
Do đó, chúng ta phải bàn thảo giải pháp chống ảo khi các trường tự chủ xét tuyển, như chia các đợt xét tuyển với các mức điểm khác nhau, hoặc khuyến khích các trường top trên liên kết, tự phối hợp trong công tác tuyển sinh…
Làm sao để một mặt tăng quyền lợi cho thí sinh, mặt khác, đảm bảo không quá ảo, gây khó khăn cho xét tuyển…
Bộ GD&ĐT có giải pháp như thế nào với các trường nhiều năm liền không tuyển sinh được?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Một số trường nhiều năm liền tuyển sinh rất khó khăn, nếu cứ như vậy sẽ rất lãng phí nguồn lực cả cơ sở vật chất và đội ngũ.
Vì thế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm với giáo dục đại học năm học tới sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị tổng kết năm học 2014 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2015 – 2016 khối ĐH, CĐ là việc cơ cấu, sắp xếp lại các trường cho phù hợp, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Năm nay có một số trường hợp thí sinh nhập học một thời gian khá dài mới biết mình không đủ điều kiện đỗ vào trường. Với những trường hợp này, Bộ GD&ĐT có biện pháp xử lý như thế nào ?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học: Thực tế, đa số các hồ sơ không đảm bảo đều được phát hiện từ ngay khi nhập học.
Tuy nhiên, một số trường để thí sinh nhập học hàng tháng mới phát hiện hồ sơ không đủ điều kiện trúng tuyển, rõ ràng công tác hậu kiểm không đảm bảo nhanh chóng như cả hệ thống chúng ta mong muốn.
Có nhiều nguyên nhân, có thể do trường làm chậm, nhưng cũng có thể do thí sinh đề nghị nhà trường cho thời gian để bổ sung hồ sơ, nhưng sau đó không bổ sung được…
Đối với những trường hợp như trên, chúng tôi đã có hướng dẫn để các trường giải quyết quyền lợi hợp lý cho thí sinh.
Nếu lỗi ở phía thí sinh, như đề nghị nhà trường cho bổ sung hồ sơ nhưng sau đó lại không bổ sung được, các em sẽ phải chịu thiệt khoảng thời gian đã theo học tại trường. Nhà trường sẽ trả lại học phí và các khoản đã đóng.
Còn trường hợp do trường hướng dẫn sai, để thí sinh tưởng mình đỗ, các em có thể được chuyển sang học tại ngành học khác trong trường mình đủ điểm; hoặc can thiệp để các em đăng ký vào trường khác mình đạt yêu cầu. Chúng tôi đã thảo luận với các trường và đa số các trường đều đồng ý cho các em nhập học.
Chấn chỉnh vi phạm dạy học thêm: Không thể chỉ bằng biện pháp hành chính
Mặc dù đã có nhiều giải pháp, nhưng tình trạng vi phạm dạy học thêm vẫn còn. Bộ GD&ĐT tiếp tục có giải pháp như thế nào để hạn chế điều này?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Để giải quyết triệt để vi phạm dạy thêm, học thêm không thể chỉ bằng giải pháp hành chính mà cần nhiều giải pháp khác nhau. Mỗi giải pháp sẽ hỗ trợ lẫn nhau để đạt được mục tiêu.
Ví dụ, mọi người ý thức lại chuyện chất lượng giáo dục là như thế nào, có phải chỉ là Toán, Tiếng Việt hay không? Đổi mới giáo dục, chúng ta quan niệm khác, chất lượng giáo dục toàn diện.
Học sinh Việt Nam không yếu nhiều về kiến thức mà yếu về năng lực tư duy, kỹ năng sống… Nếu quan niệm như vậy, nhu cầu dạy học thêm cũng ít đi.
Hai là, chúng ta phải có giải pháp chặt chẽ, chỉ đạo tốt đổi mới kiểm tra, đánh giá, phương pháp dạy học… Có thể nói, cấm chỉ là một giải pháp. Có một số việc, Bộ không cấm nhưng vẫn tự hết. Như khi đổi mới kỳ thi THPT quốc gia như vừa rồi, việc dạy học thêm đã ngày càng ít đi.
Còn vấn đề lạm thu, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo như thế nào chấn chỉnh tình trạng này?
Ông Bùi Hồng Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính: Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT liên tục có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh lạm thu trong nhà trường. Hai năm gần đây, dù không ra văn bản, nhưng trong Chỉ thị thực hiện năm học, Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ vấn đề này.
Nhưng trên thực tế, việc đôn đốc, chỉ đạo một số địa phương chưa sâu sát dẫn đến còn có xảy ra tình trạng lạm thu, đặc biệt các trường thuộc đô thị, thành phố.
Bộ GD&ĐT đã thành lập Tổ công tác thu thập, xử lý phản hồi thông tin phụ huynh, học sinh về dạy thêm, học thêm, lạm thu,... ở các cơ sở giáo dục và bước đầu hoạt động có hiệu quả.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát lại, xem xét, sửa đổi lại điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Xem xét điều chỉnh mức vay sinh viên
Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về học phí. Trong đó, có điểm mới, với mảng ĐH chia thành 2 nhóm đối tượng, đó là: Mức học phí cho các trường tự chủ kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư và mức học phí cho trường chưa tự chủ kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư.
Với các trường nhóm 1, Bộ Tài chính đang chủ trì, xây dựng và để xuất mức lãi vay và mức vay mới cho sinh viên. Ngoài mức vay còn xem xét hỗ trợ lãi suất vay với các dự án đầu tư các trường này.