Việt Nam trong Hội đồng giáo dục nghề nghiệp ASEAN: Ưu tiên số 1 là phát triển lực lượng lao động

GD&TĐ - Theo PGS.TS Cao Văn Sâm, Việt Nam cần nâng cao hình ảnh, giá trị của giáo dục nghề nghiệp, thu hút các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp...

Thí sinh Việt Nam tham dự kỳ thi nghề trong khối ASEAN.
Thí sinh Việt Nam tham dự kỳ thi nghề trong khối ASEAN.

Bộ LĐ-TB&XH cần chủ động với thách thức

Cùng với tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, PGS.TS Cao Văn Sâm - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Thường trực Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, cố vấn cao cấp Viện Đào tạo và Phát triển Nhân lực cho rằng, việc ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN là cấp bách, cần thiết, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Theo đó, giáo dục nghề nghiệp cần chuyển mạnh đào tạo chủ yếu từ “cung” sang đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp, thị trường lao động trong nước. Đồng thời tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và
hội nhập.

PGS.TS Cao Văn Sâm chia sẻ: “Theo tôi, Bộ LĐ-TB&XH, các bộ ngành có liên quan, các địa phương cần tích cực chỉ đạo các cơ sở đào tạo nắm vững cơ hội, thách thức. Yêu cầu đổi mới để đào tạo thích ứng, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cho thị trường lao động. Từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cho thế giới việc làm đổi thay”.

Nói về bối cảnh ra đời của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN, PGS.TS Cao Văn Sâm cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ Việt Nam giữ vị trí Chủ tịch ASEAN, chúng ta đã cùng các nước trong khối nhìn nhận việc chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra cơ hội cũng như nhiều thách thức liên quan đến phát triển kinh tế, phát triển việc làm và vấn đề về giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Để thích ứng, ASEAN đã thống nhất đưa ra chương trình phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay. Trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực cần triển khai nhiều giải pháp, gồm cả phát triển giáo dục nghề nghiệp. Để điều phối hoạt động chung về giáo dục nghề nghiệp, thực tế đòi hỏi cần có mô hình một Hội đồng tư vấn về lĩnh vực này. Vì vậy, có thể khẳng định, sự ra đời của Hội động Giáo dục nghề nghiệp ASEAN là cấp bách, cần thiết trong việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

Chuyển đổi hệ thống giáo dục nghề nghiệp 

PGS.TS Cao Văn Sâm cho biết, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN sẽ có nhiều nhiệm vụ quan trọng trong tư vấn phát triển giáo dục nghề.

Đầu tiên là việc đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tập trung vào bảo đảm chất lượng, phát triển tiêu chuẩn, giảng viên và các công nghệ mang tính đột phá trong phát triển giáo dục nghề nghiệp của ASEAN.

Cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt là cải thiện kỹ năng kỹ thuật số để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc này hướng tới nhóm yếu thế như phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người sống ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số…

Hội đồng tư vấn xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề chung, ưu tiên các nghề có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực lớn để đào tạo thích ứng, công nhận lẫn nhau, tạo điều kiện cho lao động hội nhập trong khối một cách bình đẳng, công bằng.

Cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác với doanh nghiệp và các nền công nghiệp. Qua đó cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp và khả năng thích ứng với yêu cầu thị trường lao động đang thay đổi.

Đồng thời, Hội đồng cần hỗ trợ các chương trình để thu hẹp khoảng cách cung - cầu kỹ năng nghề trong ASEAN dựa trên cải thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, khai thác hệ thống này phục vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Hỗ trợ cho quan chức cấp cao về giáo dục, lao động trong xác định, thúc đẩy, giám sát thúc đẩy các chương trình liên quan đến phát triển nguồn nhân lực nói chung và phát triển giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

“Tôi cho rằng, Hội đồng cũng sẽ xác định phản ứng toàn diện của ASEAN trước các vấn đề mới. Đặc biệt là những thách thức tác động đến việc làm và tương lai việc làm thông qua các tham vấn với các cơ quan, tổ chức liên quan” – PGS.TS Cao Văn Sâm nhấn mạnh.

Cũng từ những nhiệm vụ đó, công tác giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam cần chú trọng phát triển lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu thị trường. Đây là ưu tiên số 1 và cũng là thách thức trong quá trình hội nhập ASEAN.

Việc nghiên cứu chuyển đổi phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần thích ứng với sự thay đổi của thế giới công việc. Cần đặt vấn đề về một hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang dựa vào sự phát triển của các nhà trường như hiện nay. Nếu chuyển đổi sang một hệ thống hiệu quả hơn thì sẽ như thế nào?

Chúng ta có thể tham khảo mô hình của Singapore với việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp dựa trên định hướng của thị trường lao động và của thế giới công việc.

Bên cạnh đó, việc tái tạo hình ảnh giáo dục nghề nghiệp, đóng góp vào phát triển bền vững như thế nào. Với các giá trị cốt lõi của giáo dục nghề nghiệp là phát triển kỹ năng nghề, chúng ta phải tập trung tái tạo hình ảnh, vai trò và giá trị của giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời cần thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp.
Cuối cùng, Việt Nam cần cùng với các đối tác trong ASEAN thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN góp phần đào tạo nguồn nhân lực ASEAN có tính cạnh tranh cao, đáp ứng trình độ khu vực và thế giới, xây dựng cộng đồng chung thịnh vượng.

Ông Cao Văn Sâm cho biết: “Theo một báo cáo gần đây, tại Việt Nam, khoảng cách về lực lượng lao động có trình độ trên đại học nhưng làm những công việc đòi hỏi trình độ thấp hơn đang có sự giãn cách rất lớn. Chúng ta có thể thấy rõ, kỹ năng của người lao động đang có sự thay đổi lớn trong bối cảnh thế giới công việc thay đổi nhanh chóng. Một mặt lực lượng lao động hiện nay đang thiếu hụt kỹ năng, nhưng mặt khác, một bộ phận lao động lại đang dư thừa kỹ năng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ