Vào cuộc tối đa...

GD&TĐ - Từ ngày 4 - 11/12/2022 sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội Khóa XV nhằm xem xét những vấn đề cấp bách, cấp thiết theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, các nội dung sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định gồm dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự và cuối cùng là dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Vài năm qua, đặc biệt là năm 2021, không chỉ nước ta mà cả thế giới đã phải đối mặt với những diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, kèm theo đó là những hệ quả nặng nề về kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh này cần thiết phải có những giải pháp mạnh, nhanh và quyết liệt.

Bởi vậy, đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội Khóa XV đã quyết định tổ chức kỳ họp bất thường nhằm có các chiến lược, cơ chế đủ mạnh, đủ nhanh đem lại hiệu quả là không có gì “bất thường”.

Có thể thấy, những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường này là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vĩ mô cũng như bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật sẽ giúp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, khai thông những vướng mắc, đồng thời phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Hay với chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, nếu được hoàn thành sớm sẽ có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Tương tự, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ sẽ góp phần tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực tế, những chủ trương,chính sách mà Quốc hội quyết định, những giải pháp Chính phủ đã và đang thực hiện thời gian qua đã có tác động rõ nét đến ổn định kinh tế cũng như bảo đảm an sinh xã hội.

Thế nhưng trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn có những diễn biến phức tạp, nước ta cũng đã chuyển sang thích ứng linh hoạt thay vì theo đuổi chiến lược “zero-covid” thì cần thiết phải tiếp tục có các giải pháp mới, đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung các giải pháp cũ.

Ví dụ như cùng với việc nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, cần chú trọng tới các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Với chính sách tài khóa, cần dịch chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang các chính sách hỗ trợ về thuế nhằm tạo ra những tác động lớn và bền vững hơn nữa...

Do những vấn đề được xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường tới đây của Quốc hội là quan trọng và cấp bách nên cần được chuẩn bị, thảo luận kỹ lưỡng trước khi thông qua nhưng vẫn phải bảo đảm nhanh chóng để triển khai kịp thời, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đây là những nội dung khó, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm lớn, nỗ lực rất cao. Tinh thần là cố gắng vào cuộc tối đa, càng sớm càng tốt nhưng không để xảy ra sơ suất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ