Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội làm việc với Học viện Báo chí và Tuyên truyền

GD&TĐ - Sáng 28/12, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Xuân Phương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Theo đó, thực hiện chương trình công tác năm 2021, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Học viện Báo chí và Tuyên truyền về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet.

Toàn cảnh phiên họp.

Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn Giám sát có TS. Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Trưởng đoàn; Đồng chí Phạm Nam Tiến, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng đoàn; TS. Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV; PGS,TS. Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; PGS,TS. Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế; đồng chí Hoàng Anh Công, Phó Trưởng ban Dân Nguyện; TS. Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật; cùng các chuyên gia và đại diện các bộ, ngành có liên quan.

Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền có PGS,TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Chấp hành Đảng bộ, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện.

TS. Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Đặng Xuân Phương cho biết: Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được thành lập trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8 năm 2021, để có thêm cơ sở đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 30 ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và loại hình truyền thông khác trên Internet.

TS. Đặng Xuân Phương mong muốn, sau khi nghe báo cáo của Học viện Báo chí và Tuyên tryền, các thành viên của đoàn giám sát sẽ đặt những câu hỏi cho Học viện để làm rõ hơn những vấn đề mà đoàn quan tâm, đặc biệt là những tác động của thông tin truyền thông trên Internet đến môi trường học tập của sinh viên và đối với công tác đào tạo của Học viện.

Cán bộ, giảng viên trong Học viện với kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực có liên quan sẽ cùng trao đổi, thảo luận với các thành viên của đoàn nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng thông tin và truyền thông trên Internet.

TS. Đặng Xuân Phương hy vọng qua buổi làm việc, Học viện sẽ có những kiến nghị, đề xuất với đoàn giám sát để đoàn tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong thời gian tới.

PGS-TS. Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện báo cáo tại buổi làm việc.

Báo cáo với Đoàn giám sát tại buổi làm việc, PGS-TS. Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện cho biết, thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet trong thời gian qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua môi trường mạng; công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên về an toàn thông tin và an ninh mạng tại Học viện; công tác phát triển và quản lý các trang thông tin giáo dục chính trị tư tưởng đối với sinh viên trên môi trường mạng.

Học viện đã chỉ đạo, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành về công tác hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Nhà trường, hướng tới xây dựng Học viện thông minh. Từ những năm 2000, Học viện đã kết nối Internet để phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Báo cáo cũng chỉ ra những mặt hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên về đảm bảo an toàn thông tin mạng tại Học viện như: việc đào tạo tạo bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên về đảm bảo an toàn thông tin mạng vẫn còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao, còn thiếu linh hoạt trong hình thức đào tạo; nguồn nhận lực hiện có của Nhà trường còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo về an ninh mạng.

Thảo luận của các đại biểu tại buổi làm việc tập trung phân tích những điều kiện thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, đề xuất và giải pháp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Các đại biểu cũng đã kiến nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung các chính sách có liên quan cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Học viện.

Đoàn Giám sát tặng quà lưu niệm chúc mừng Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhân dịp chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (16/01/1962 - 16/01/2022).

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương chúc mừng những thành tích mà Học viện đã đạt được trong thời gian qua và mong muốn thời gian tới sẽ có những phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong việc tham vấn chính sách, cung cấp thông tin, tài liệu tham khảo trong quá trình thực hiện chức năng giám sát và chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 

Trên cơ sở các ý kiến tại buổi làm việc , Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giám sát trình Quốc hội trong thời gian tới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ