Ưu tiên nguồn lực cho giáo dục vùng khó từ chương trình mục tiêu quốc gia

GD&TĐ - Địa phương cần có cơ chế lồng ghép, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc trao đổi tại cuộc kiểm tra.
Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc trao đổi tại cuộc kiểm tra.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT vừa kiểm tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Bộ GD&ĐT được giao chủ trì thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 tại tỉnh Hoà Bình.

Còn vướng mắc

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hòa Bình, bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình của tỉnh này được kiện toàn, thành lập theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương. Đến nay, bộ máy này đã hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả trong vai trò của mình.

Các văn bản về kế hoạch tổ chức, triển khai được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị chủ trì, phối hợp. Cơ chế thực hiện Chương trình hiện đang được xây dựng, đảm bảo thuận lợi trong quá trình tổ chức, thực hiện Chương trình kế hoạch năm 2022 và cho cả giai đoạn 2021-2025.

Để thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021-2025. Trong đó, giao Sở GD&ĐT quản lý, thực hiện: Đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT); triển khai thực hiện các nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTNT, trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường phổ thông có học sinh bán trú; Triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng phòng Chính sách dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình), Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia chia sẻ tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng phòng Chính sách dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình), Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia chia sẻ tại buổi làm việc.

Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện: Đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của các trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú; tham gia phối hợp triển khai thực hiện công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú; tham gia phối hợp triển khai thực hiện xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vấn đề vướng mắc trong triển khai hiện nay là do Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mang quan điểm đầu tư tổng thể, quy mô lớn với nhiều dự án, tiểu dự án thành phần có mối liên quan chung với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Điều này ảnh hưởng tới tiến độ, thời gian ban hành các cơ chế, tổ chức thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, một số bộ, ngành Trung ương chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình. Ngoài ra, do kinh phí năm 2022 được Trung ương giao muộn gây ảnh hưởng đến việc giao chi tiết và thực hiện kế hoạch vốn tại địa phương.

Công tác phối hợp tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ có những việc còn chậm, nhiều nội dung phải tổ chức lấy ý kiến nhiều lần, nhất là trong việc xây dựng cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Ban Chỉ đạo Chương trình tỉnh Hoà Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo một số bộ, ngành khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, tạo cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.

Đề nghị Ủy ban Dân tộc hướng dẫn cụ thể quy định về định mức, phương thức thực hiện vốn đầu tư phát triển để thực hiện các nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất thuộc dự án 1 của Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn ban hành tài liệu triển khai thực hiện các nội dung liên quan để các địa phương triển khai thống nhất, đúng quy định.

Thành viên đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT trao đổi tại buổi làm việc.

Thành viên đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT trao đổi tại buổi làm việc.

Cần có cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn lực

Tại cuộc kiểm tra, đại diện các sở, ngành liên quan và thành viên đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã trao đổi thông tin, yêu cầu, đề xuất. Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc Lê Như Xuyên cho biết, cuộc kiểm tra đồng thời để nắm bắt tình hình, ghi nhận hiện trạng, từ đó báo cáo trung thực để Ủy ban Dân tộc có căn cứ đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, Chính phủ rất quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời đề nghị báo cáo của tỉnh nêu rõ hơn các khó khăn, nguyên nhân, kiến nghị cũng như xem xét, cân nhắc kỹ về thời gian dự kiến giải ngân đảm bảo phù hợp, khả thi.

Đoàn kiểm tra Bộ GD&ĐT khuyến nghị, tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành Chương trình; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2022, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đảm bảo tiến độ.

Tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan khẩn trương tham mưu thể chế các văn bản quy định của Trung ương liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2022.

Đặc biệt, cần có cơ chế lồng ghép nguồn lực, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, các tổ chức chính trị, xã hội để đầu tư, hỗ trợ xây dựng các dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung nguồn lực cho địa bàn các xã, thôn, xóm đặc biệt khó khăn, các xã có khả năng thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn gắn với việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cũng phải được tăng cường song song với đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình. Rà soát, lập trình phân bổ kế hoạch năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 chi tiết đến danh mục công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình, đảm bảo thời gian theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.