Phát triển quy mô, chất lượng trường dân tộc nội trú
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An vừa tổ chức ngày hội STEM cho học sinh với chủ đề: “Khơi dậy đam mê, đánh thức sáng tạo”. Đây là hoạt động thường niên được nhà trường duy trì nhiều năm nay, với mục đích phát huy tính sáng tạo, tư duy của học trò và áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế.
Ngày hội STEM gồm nhiều hoạt động như hội chợ trưng bày các sản phẩm thiết kế của học sinh, thuyết trình các mô hình và chương trình văn hóa, văn nghệ.
Trong năm nay, chương trình có sự tham gia của 12 đội chơi của hai khối 10 và 11 với các dự án thiết thực trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều sản phẩm được nhà trường đánh giá cao như sữa chua tiện lợi, tinh dầu thiên nhiên, đèn cảm biến chuyển động, đèn học thông minh, hệ thống điểm danh thông minh…
Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những dự án được xuất phát từ thực tế, trong đó những dự án gắn với các đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số có tính ứng dụng cao. Việc triển khai chương trình giáo dục Stem giúp các thầy cô thay đổi cách dạy học, chuyển dần cách dạy học thụ động, thiên về lý thuyết sang tăng cường tính ứng dụng. Góp đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học theo chương trình GDPT 2018.
Trường Phổ thông DTNT THPT Nghệ An là ngôi trường dân tộc nội trú đầu tiên của tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước khẳng định. Ngoài đạt kết quả nổi bật ở các môn học văn hóa, thì công tác rèn luyện kỹ năng sống, giữ gìn phát huy truyền thống dân tộc cũng được chú trọng. Nhà trường có nhiều CLB các môn học cũng như thể dục thể thao, nghệ thuật dân tộc. Theo lãnh đạo nhà trường, các hoạt động đó nhằm thực hiện nhiệm vụ của trường dân tộc nội trú – là đào tạo nguồn nhân lực cho vùng cao, khó khăn, dân tộc thiểu số của tỉnh.
Đến nay, Nghệ An đã phát triển từ 1 trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, đã phát triển thành 8 trường với hơn 2.600 học sinh là người DTTS đang theo học. Trong đó có 2 trường THPT đặt tại TP Vinh và 6 trường THCS đặt tại 6 huyện miền núi cao gồm: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông.
Mô hình trường dân tộc nội trú đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, tạo điều kiện để học sinh ở vùng miền núi vùng sâu, vùng xa được học và chăm sóc trong môi trường giáo dục toàn diện.
Từ mô hình này đã có hàng nghìn học sinh tốt nghiệp và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và các học viện. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của các trường ngày càng được khẳng định.
Mở rộng đối tượng tuyển sinh
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tổ chức và hoạt động dựa trên Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2016. Trong đó quy định, trường PT DTNT được Nhà nước thành lập cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng này.
Cô Lô Thị Thùy – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Tương Dương cho biết, theo Thông tư 01, nhiệm vụ của trường DTNT là tuyển sinh đúng đối tượng và chỉ tiêu được giao hằng năm. Đây cũng là nhiệm vụ đầu tiên mà trường phổ thông dân tộc nội trú phải đảm bảo.
Theo đó, học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc người Kinh, sinh sống tại xã miền núi khu vực III, có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Với chỉ tiêu được giao, thì trung bình mỗi xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện chỉ được tuyển sinh 5 em.
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, điều kiện kinh tế xã hội thực tế tại các huyện miền núi cao cao nhiều thay đổi, nảy sinh một số vướng mắc.
Cụ thể, từ đầu năm 2022, Tương Dương có 5 xã “thoát nghèo”, từ khu vực III xuống khu vực II gồm: Thạch Giám, Xá Lượng, Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái. Như vậy, những học sinh của 5 xã này không còn thuộc diện tuyển sinh vào Trường Phổ thông DTNT Tương Dương nữa. Điều này một mặt khiến trường mất nguồn tuyển sinh có chất lượng, mặt khác còn ảnh hưởng đến quyền lợi của học trò.
“Vấn đề xã “thoát nghèo” còn ảnh hưởng đến tính liên thông, thống nhất trong học tập của học sinh. Nhiều em hiện đang học tập tại trường, nhưng sau khi xong lớp 9 sẽ không được thi vào Trường THPT DTNT tỉnh nữa, vì không còn thuộc đối tượng tuyển sinh do xã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc ra khỏi khu vực III. Tính riêng khối 9 của trường năm học này, có 20/79 em không còn thuộc đối tượng tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT DTNT tỉnh nữa”, cô Lô Thị Thùy nói.
Hiệu trưởng Trường PT DTNT THCS Tương Dương đề xuất, mong muốn nếu có thể thì điều chỉnh đối tượng tuyển sinh, không nhất thiết phải là học sinh dân tộc thiểu số ở xã đặc biệt khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, dịp đầu năm học 2021-2022, hai trường Phổ thông DTNT THPT của tỉnh Nghệ An đã phải hủy kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 của hơn 100 thí sinh đã trúng tuyển. Các trường sau đó phải hạ điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu, đúng đối tượng học sinh.
Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa – Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An cho hay: “Việc địa phương ra khỏi khu vực III khiến học sinh không còn thuộc diện tuyển sinh vào trường DTNT tỉnh nữa. Điều này là thiệt thòi cho các em sau thời gian dài phấn đấu ở bậc THCS. Bên cạnh đó cũng là bất lợi cho nhà trường khi mất nguồn học sinh có chất lượng”.
Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa cho biết thêm, nhà trường cũng góp ý dự thảo quy chế tổ chức hoạt động của trường phổ thông DTNT trong quy định về đối tượng học sinh nên đề rõ ràng. Bao gồm học sinh là người DTTS định cư lâu dài tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và học sinh người dân tộc Kinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Qua đó mở rộng đối tượng tuyển sinh, đảm bảo chất lượng đầu vào của trường DTNT.