Sáng 12/9, Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo định hướng triển khai thí điểm Bộ công cụ “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng – Chương trình phòng ngừa Bạo lực học đường trên cơ sở giới” tại 9 cơ sở giáo dục thường xuyên của TP HCM, Đà Nẵng và Điện Biên.
Hội thảo nhằm giới thiệu về kế hoạch thực hiện thí điểm bộ công cụ này. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm và hành động của các cán bộ quản lí, giáo viên, hướng dẫn viên trong các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trong việc tạo dựng, duy trì môi trường học tập thân thiện, an toàn, không có bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục thường xuyên trên cả nước.
“Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng – Chương trình phòng ngừa Bạo lực học đường trên cơ sở giới” (Connect With Respect – CWR) là một tài liệu hướng dẫn giáo viên, cán bộ quản lí các trường học sử dụng một số biện pháp tác động đã được thực tiễn chứng minh là có hiệu quả giáo dục cao. Mục đích nhằm thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh, thân thiện trong nhà trường, góp phần phòng ngừa và ứng phó với bạo lực học đường trên cơ sở giới.
Bộ công cụ này được UN Women phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam giới thiệu, thực hiện thí điểm tại một số trường phổ thông của Việt Nam giai đoạn 2019-2020. Việc này đã thu được những kết quả tích cực trong nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường về xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trên cơ sở giới.
Trong bối cảnh bạo lực học đường, đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới vẫn đang là vấn nạn cần giải quyết không chỉ đối với giáo dục phổ thông mà cả trong hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) – nơi mà một bộ phận học viên còn gặp nhiều khó khăn về học lực, điều kiện kinh tế, kĩ năng tương tác và ứng xử…Vụ GDTX (Bộ Giáo dục và đào tạo), Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Ban nghiên cứu GDTX) và UN Women đã phối hợp điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học viên và giáo viên GDTX.
Tại hội thảo, các cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các Trung tâm GDNN-GDTX thuộc 3 tỉnh/thành phố Điện Biên, Đà Nẵng, TP HCM và các chuyên gia đã cùng trao đổi về những thuận lợi, khó khăn khi thí điểm bộ công cụ CWR cũng như kế hoạch và giải pháp cụ thể để triển khai hoạt động này một cách hiệu quả trong hệ thống cơ sở GDTX địa phương trong thời gian tới.
PGS.TS Mai Văn Trinh, Phó Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam, trong phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đã khẳng định sự cần thiết của việc áp dụng bộ tài liệu CWR trong GDTX nhằm tạo dựng một môi trường học tập thân thiện, phi bạo lực. Từ đó mọi học viên đều có cơ hội học tập, phát huy tiềm năng của mình. Ông Trinh tin tưởng rằng bộ công cụ CWR sẽ đóng góp quan trọng vào tiến trình đó.
Ông Trinh cũng nhận định rằng việc vận dụng công cụ này trong cơ sở GDTX sau một nhịp so với trường học hệ chính qui là cơ hội thuận lợi để rút kinh nghiệm, khai thác tốt hơn các điểm mạnh của tài liệu đồng thời tìm biện pháp khắc phục những thách thức trong quá trình giảng dạy và học tập.
Tham luận tại hội thảo, TS Đồng Văn Bình (Vụ GDTX, Bộ Giáo dục và đào tạo) cho biết CWR là bộ công cụ rất hữu ích trong việc phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường trên cơ sở giới trong các cơ sở GDTX. Do vậy nếu hoạt động thí điểm này thành công sẽ là cơ hội để hơn 600 Trung tâm GDTX trên cả nước có thể xem xét áp dụng, đóng góp vào các nỗ lực chung của Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, và thân thiện đối với mọi người học.
Cũng tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Lan, chuyên gia của UN Women Việt Nam chia sẻ những kết quả tích cực của việc thực hiện CWR tại các địa phương trong giai đoạn trước, và hi vọng rằng điều này sẽ tiếp tục được duy trì trong quá trình triển khai thí điểm bộ công cụ này tại các cơ sở GDTX của Điện Biên, Đà Nẵng và TP HCM sắp tới.