Tương lai việc làm: Cần những kỹ năng cao hơn

GD&TĐ - Những thay đổi của thị trường lao động cho thấy Việt Nam đang cần một lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn để hiện đại hóa, công nghiệp hóa và tăng trưởng bền vững.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cơ cấu lao động và vai trò của công nghệ

Một phân tích về thị trường lao động Việt Nam ngày nay so với hai mươi năm trước đây cho thấy: Tại thời điểm năm 2000, gần 65,3% lực lượng lao động có việc làm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Cho đến nay, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã giảm xuống chỉ còn khoảng 37,2%. Tại thời điểm năm 2000, nông nghiệp là lĩnh vực tuyển dụng nhiều lao động nhất cả nước thì ngày nay lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp tuyển dụng số lao động gần tương đương nhau, lần lượt là 37,3% và 37,2% và theo sát là lĩnh vực công nghiệp với 25,5% tổng số việc làm. 

Báo cáo mới đây của Ủy ban Toàn cầu về Tương lai Việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ đối với việc thúc đẩy hay kìm hãm việc làm thỏa đáng. Công nghệ có thể giải phóng người lao động khỏi những công việc khó nhọc về thể chất, những công việc có thể nguy hiểm hoặc trong môi trường bẩn. Công nghệ cũng có thể làm giảm thiểu nguy cơ gây ra thương tích đối với người lao động… Nhưng đồng thời, công nghệ cũng có thể tạo ra những thách thức mới đối với việc làm thỏa đáng, trong đó, người lao động trên các nền tảng việc làm thường đối mặt với sự thâm hụt việc làm.

Chất lượng của nền giáo dục cơ bản của Việt Nam ở mức cao, và giáo dục cơ bản là điều mà Việt Nam cần để duy trì ngành công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng thấp. Tuy nhiên, giờ đây, người sử dụng lao động đòi hỏi những nhân tài với kỹ năng cao hơn, đòi hỏi phải có các hệ thống giáo dục và đào tạo nghề vận hành hiệu quả hơn và các hệ thống giáo dục cao hơn. 

Thị trường lao động hiện đại

Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam cho rằng: Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và để đạt được hiện đại hóa, công nghiệp hóa cũng như tăng trưởng bền vững. Điều này đòi hỏi một thị trường lao động được hiện đại hóa.

Một thị trường lao động với những sinh viên tốt nghiệp từ một hệ thống phát triển kỹ năng chất lượng cao được người sử dụng lao động tin tưởng và đầu tư thời gian và nguồn lực. Thị trường lao động mới cho phép học tập suốt đời và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục đào tạo nghề và giáo dục đại học. Đó là một thị trường lao động với cơ chế bảo trợ xã hội toàn dân và có những thiết chế được điều chỉnh theo những thay đổi của bản thân thị trường lao động đó. 

Cũng theo bà Valentina Barcucci, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cải cách hệ thống giáo dục nghề nghiệp và công tác quản trị hệ thống này. Trong khi chính phủ có trách nhiệm tổng quan để có được một dân số và lực lượng lao động được giáo dục tốt vì lợi ích của nền kinh tế và xã hội của đất nước, thì các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động cũng có những vai trò quan trọng trong trách nhiệm này. Người sử dụng lao động là người kết nối với nhu cầu về kỹ năng của thị trường lao động. Vị trí cần tuyển dụng của họ thể hiện điều gì đang diễn ra trên thị trường lao động về nhu cầu kỹ năng.

Mặt khác, đại diện của người lao động sẽ đóng vai trò bảo đảm việc phát triển kỹ năng không chỉ chuẩn bị cho người lao động sẵn sàng đảm nhận một công việc cụ thể trong một doanh nghiệp nhất định mà đó là cơ hội để tiếp cận với việc làm thỏa đáng. Mỗi chủ thể trong ba chủ thể này có vai trò và trách nhiệm thực hiện vai trò của mình trong việc phát triển kỹ năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.