Lắp đặt điện hướng tới kỳ thi tay nghề thế giới

GD&TĐ - Lắp đặt điện là một trong những nghề có thí sinh tham dự đông nhất tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45, sẽ diễn ra tại Kazan (Nga) vào tháng 9/2019. Nghề lắp đặt điện có thời gian làm bài lên tới 22 giờ, trong vòng 4 ngày, đòi hỏi thí sinh phải có thể lực rất tốt, tập trung cao độ, từ các thao tác nhỏ nhất cũng phải được tính toán kỹ lưỡng để kỹ năng được chính xác và chuyên nghiệp nhất.

Chuyên gia nghề Lắp đặt điện Nguyễn Quang Huy đang huấn luyện thí sinh Nguyễn Văn Minh
Chuyên gia nghề Lắp đặt điện Nguyễn Quang Huy đang huấn luyện thí sinh Nguyễn Văn Minh

Những kiến thức “nằm lòng”

Nói về quá trình luyện thi, Nguyễn Văn Minh, sinh viên năm thứ 2, khoa Điện cho biết: Trong chương trình huấn luyện nghề lắp đặt điện, em đang thực hành lắp đặt phần cứng bao gồm các loại máng, ống nhựa, sắt, đi dây, đấu nối tủ điện, các kỹ năng này phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ, khi uốn các ống nhựa, phải bảo đảm sao cho góc uốn gấp 6 lần đường kính ống, ống không được biến dạng sau khi uốn, máng cắt khi ghép nối không được hở. Tương tự như vậy, khi đi dây, các đoạn nối đồng vào thiết bị cũng không được hở, dây đồng không trầy xước… Lắp đặt điện cần có sự tập trung cao độ, từ các thao tác nhỏ nhất cũng phải được tính toán kỹ lưỡng để kỹ năng được chính xác và chuyên nghiệp nhất.

“Quá trình ôn luyện thi, em đã được các thầy hướng dẫn luyện tập thường xuyên, đến nay em đã được cải thiện rất nhiều về kỹ năng, tốc độ cũng như chất lượng của bài thi. Cũng ở nghề lắp đặt điện, em được huấn luyện các bài tập lập trình để điều khiển các thiết bị điện thông minh kiểm soát cường độ ánh sáng, nhiệt độ trong phòng, nâng hạ mành, rèm cửa…”, thí sinh Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Hướng tới các tiêu chuẩn tiện ích thông minh, công nghệ điện thông minh đã và đang được lắp đặt ở nhiều khách sạn, biệt thự, công trình chất lượng cao… nhu cầu nhân lực nghề lắp đặt điện đang ngày càng bức thiết hơn, mức thu nhập của công nhân kỹ thuật ngành thường ở mức 10 - 20 triệu đồng/tháng. 
Ông Đồng Văn Ngọc cho biết.

Trao đổi về chương trình huấn luyện, chuyên gia Nguyễn Quang Huy - Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết, lắp đặt điện là một trong những nghề có thí sinh tham dự đông nhất tại kỳ thi tay nghề thế giới lần này. Nghề này có thời gian làm bài lên tới 22 giờ, trong vòng 4 ngày, đòi hỏi thí sinh phải có thể lực rất tốt. Thông thường các thí sinh thi trong hai ngày đầu tiên sẽ rất hưng phấn, nhưng về sau sẽ có biểu hiện đuối sức. Đây là vấn đề liên quan đến sức bền và thể lực, vì vậy nội dung huấn luyện thể lực tập trung vào hô hấp và cơ bắp, chạy điền kinh, chống đẩy là những bài tập mà thí sinh phải luyện tập hàng ngày.

Tốc độ thao tác và tốc độ di chuyển là những yếu tố quan trọng trong quá trình làm bài thi… chuyên gia sẽ huấn luyện cho thí sinh về ý thức di chuyển nhanh. Ví dụ, từ vị trí làm bài đến tủ đựng đồ là 3 bước chân, nhưng thí sinh phải luyện chỉ một bước dài là có thể lấy được đồ, từ đó giảm thiểu thời gian chờ đợi. Về chiến thuật là những kiến thức “nằm lòng” mà thí sinh không được phá vỡ… Bởi nếu không thực hiện đúng chiến thuật, công đoạn sẽ bị trượt sang khoảng thời gian tiếp theo, khi đó sẽ không thể kiểm soát được bài thi.

Đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết: Tham dự kỳ thi Tay nghề thế giới năm nay, nhà trường có 4 thí sinh, dự thi 3 nghề, trong đó nghề Cơ điện tử là thi đội, có 2 thí sinh được Công ty Samsung tài trợ huấn luyện tại Hàn Quốc; nghề phay CNC có 1 thí sinh được Công ty Denso (Nhật Bản) tài trợ huấn luyện; nghề lắp đặt điện có 1 thí sinh, đang được các chuyên gia của trường trực tiếp huấn luyện.

Kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2019, về cơ bản các nghề đều không cho biết trước đề, vì vậy các thí sinh phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để có đủ khả năng giải quyết được bài thi. Đối với nghề lắp đặt điện, đề thi được giữ kín 100% đến tận ngày thi. Năm nay, xu hướng sẽ là lắp đặt điện dân dụng thông minh, do đó thí sinh được huấn luyện sâu về những kỹ năng cơ bản và nâng cao trong lĩnh vực này. Đây cũng là lĩnh vực mà trường đã có kinh nghiệm đào tạo, thí sinh nhà trường đã đạt được chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại kỳ thi tay nghề thế giới, Huy chương Vàng thi tay nghề ASEAN và thi tay nghề quốc gia.

“Huấn luyện thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề thế giới, nhà trường cũng coi đây là những kỹ năng trong chương trình chung để đào tạo ra những kỹ sư thực hành đạt tiêu chuẩn quốc tế”, Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.