Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị |
(GD&TĐ) - Tự chủ tuyển sinh như thế nào trong năm 2014 là nội dung làm “nóng” Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và tổng kết năm học 2012 - 2013 các trường ĐH, CĐ diễn ra hôm nay (28/12).
Giai đoạn đầu nghiêng về lựa chọn “3 chung”
Lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ cho rằng, phương án tuyển sinh “3 chung” trong hơn 10 năm thực hiện đã có nhiều cải tiến, bổ sung, rút ra được nhiều kinh nghiệm và triển khai ngày một tốt, được đánh giá là một kỳ thi nghiêm túc, công bằng nhất trong các kỳ thi. Do đó, trong thời gian Bộ GD&ĐT hỗ trợ tổ chức “3 chung”, nhiều trường vẫn tin tưởng vào kỳ thi này để “chọn mặt, gửi vàng”.
Nhấn mạnh quan điểm “ít nhất trong 5 năm tới, chỉ một khâu duy nhất có thể can thiệp để tạm thời yên tâm đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là phải quản lý chặt chẽ công tác tuyển sinh”, Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình - ông Hoàng Dương Hùng - đề nghị Bộ GD&ĐT:
Trong khi chúng ta chưa làm tốt các khâu khác thì chưa nên bỏ “3 chung”. Chỉ nên nghĩ tới chuyện này khi chúng ta kiểm soát được chất lượng các cơ sở đào tạo, có được hệ thống đánh giá xếp hạng công khai các trường ĐH và công tác tuyển dụng không chỉ dựa trên bằng cấp, đồng thời, kết quả tốt nghiệp THPT có thể tin cậy được.
“Trường ĐH Quảng Bình mặc dầu trong những năm qua công tác tuyển sinh chưa được mĩ mãn nhưng không phải vì thế mà chúng tôi phải đi tìm một phương án tuyển sinh khác” – Ông Hoàng Dương Hùng khẳng định
Là một trường ĐH ngoài công lập, nhưng kết quả thăm dò lựa chọn phương án tuyển sinh năm 2014 của Trường ĐH Quang Trung cũng có đến 92,86% số phiếu chọn phương án “3 chung”.
Ông Nguyễn Minh Châu – Hiệu trưởng - thông tin: Trường ĐH Quang Trung sẽ chung thủy với phương án này cho đến khi Bộ GD&ĐT thôi không hỗ trợ tổ chức “3 chung” nữa. Lý luận của ông Châu là: Tham gia “3 chung”, trường được Bộ GD&ĐT hỗ trợ khâu đề thi, quy chế tuyển sinh, những điều cần biết – thuận lợi cho nhà trường trong khâu quảng bá tuyển sinh; đảm bảo chất lượng đầu vào và dồi dào nguồn tuyển…
Tuyển sinh riêng đã thành công bước đầu
Mặc dù không ít trường còn e dè bước ra tuyển sinh riêng nhưng thực sự tự chủ tuyển sinh đã đạt được thành công bước đầu với 10 trường khối văn hóa – nghệ thuật.
Theo bà Lê Thị Thu Xuyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc thực hiện đề án tuyển sinh riêng đối với 10 trường đã tạo nguồn tuyển rộng rãi và nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào có tính chất đặc thù, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào một số trường tăng cao so với năm trước, đặc biệt trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (tăng 75%), ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (tăng 67%)…
Các trường cũng tiết kiệm được chi phí tổ chức thi tuyển sinh, tránh áp lực cho thí sinh để tập trung thi môn năng khiếu; đồng thời, tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội tham gia dự thi những trường khác theo “3 chung”.
Thực tế, trong một trường có thể lựa chọn cùng lúc 2 phương thức tuyển sinh. Ví dụ, Trường Văn hóa nghệ thuật, các ngành đào tạo năng khiếu thực hiện tuyển sinh năng khiếu kết hợp xét tuyển môn văn hóa. Các ngành đào tạo văn hóa thực hiện phương thức tuyển sinh theo “3 chung”.
Bà Xuyền khẳng định: Kết quả triển khai đề án thể hiện sự phù hợp về phương thức tuyển sinh đối với các ngành đào tạo năng khiếu nghệ thuật, phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục, tạo cơ chế chủ động cho các trường theo tinh thần Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học.
Để phát huy hơn nữa thành công này, bà Lê Thị Thu Xuyền đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục cho phép 10 trường khối Văn hóa nghệ thuật tiếp tục duy trì, tổ chức tuyển sinh riêng; cho phép các trường CĐ thuộc các tỉnh/thành khối Văn hóa nghệ thuật được tổ chức tuyển sinh riêng năm 2014 trên cơ sở tự nguyện; xây dựng đề án khả thi trình lên 2 Bộ phê duyệt.
Tuy nhiên, từ thực tế tuyển sinh riêng của 10 trường năm vừa qua, có trường hợp thí sinh đăng ký dự thi học tập và có bằng tốt nghiệp CĐ ở nước ngoài. Do trong chương trình học không có môn Ngữ văn nên những đối tượng này không đảm bảo tiêu chí để xét tuyển dù có tài năng thực sự. Bà Xuyền đề nghị Bộ GD&ĐT có văn bản xem xét, hướng dẫn cụ thể với những thí sinh nêu trên, nhằm tạo điều kiện tối đa cho những tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật…
Đổi mới tuyển sinh là việc dứt khoát phải làm
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: Đổi mới tuyển sinh là việc dứt khoát phải làm. Điều này đã ghi rõ trong Luật Giáo dục ĐH, cũng được khẳng định tại Nghị quyết Trung ương 8. Phải đổi mới cách thi để thay đổi cách dạy, cách học.
“Nếu vẫn thi ĐH theo kiểu kiểm tra kiến thức thì phổ thông không thể đổi sang cách dạy – học hình thành năng lực, phẩm chất. Việc đổi mới phải chắc chắn, cẩn thận nhưng không được trì trệ, chậm chễ; khẩn trương, tích cực nhưng không hấp tấp, vội vã” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước băn khoăn của một số trường khi tuyển sinh riêng, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề thi tuyển sinh rất quan trọng, nhưng không phải là duy nhất trong hoạt động đào tạo. Việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH cần ngưỡng chất lượng đầu vào, nhưng đó cũng không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Hiện chúng ta đang coi việc này quá nặng, lấn át mọi chuyện khác.
Dẫn chứng từ 10 trường khối nghệ thuật đã tuyển sinh riêng, Bộ trưởng khẳng định lại, việc tự chủ tuyển sinh chúng ta đã làm, không phải thí nghiệm mà đã thực nghiệm, làm thật, có kết quả.
Bộ trưởng đề nghị các trường, với kinh nghiệm, hiểu biết về các ngành nghề, lĩnh vực, thảo luận, đề xuất để tìm phương thức tuyển sinh phù hợp nhất, tạo sự chuyển biến trong quá trình đào tạo, hỗ trợ cho sự đổi mới ở bậc học phổ thông. Phương án mới cần có lộ trình, để phối hợp được với thay đổi ở phổ thông, tránh gây bất an trong xã hội.
“Bộ không giới hạn hình thức thi tuyển của các trường vì chúng ta đào tạo rất nhiều ngành nghề, cung cấp cho rất nhiều đối tượng” – Bộ trưởng khẳng định.
Bộ GD&ĐT tôn trọng quyền tự chủ và “quyền nhờ” của các trường Nguyên tắc là tự chủ theo đúng Luật Giáo dục Đại học, nhưng vì nhiều trường đại học điều kiện khác nhau, có trường có thể triển khai ngay, có trường cần phải chuẩn bị và học sinh cần thích nghi, nên trường nào chưa chuẩn bị kỹ, chưa có điều kiện đảm bảo thì dùng thi “3 chung”. Nhưng trong quá trình dùng cách cũ phải có sự tích lũy, nghiên cứu để chuẩn bị phương án mới. Chuyển đổi phương thức tuyển sinh một cách có trật tự để làm sao về phía các nhà trường thì chu đáo, còn các em học sinh thì sẵn sàng. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận |
Hiếu Nguyễn
TIN LIÊN QUAN |
---|