Truyền thông đa phương tiện – nghề của tương lai

GD&TĐ - Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, truyền thông đa phương tiện (TTĐPT) sẽ là ngành học quan trọng, được quan tâm và cực kì thu hút các bạn trẻ đặc biệt là các bạn yêu thích công nghệ và sáng tạo. 

Học sinh tìm hiểu ngành học tại Trường ĐH Hà Nội. Ảnh: H.N
Học sinh tìm hiểu ngành học tại Trường ĐH Hà Nội. Ảnh: H.N

Đây cũng là ngành học đang có nhu cầu nhân lực cao. TS Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng khoa Công nghệ thông tin (CNTT) - Trường ĐH Hà Nội đã chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại những thông tin quan trọng xung quanh ngành học đang rất được quan tâm này.

Vị trí việc làm đa dạng

- Ông có thể cho biết một cách khái quát nhất về ngành học TTĐPT? Có bao nhiêu trường ĐH Việt Nam đang đào tạo ngành này?

- TTĐPT là ngành học ứng dụng CNTT trong việc sáng tạo, thiết kế và phát triển những sản phẩm, dịch vụ đa phương tiện và tương tác cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như: Truyền thông (quảng cáo, truyền hình), kinh doanh (marketing, thương mại điện tử), giáo dục (đào tạo trực tuyến, thực tại ảo), giải trí (trò chơi điện tử, phim, âm nhạc).

Theo như tôi được biết, hiện nay một số trường ở phía Bắc có đào tạo ngành này là Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Truyền thông – ĐH Thái Nguyên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Phụ nữ, Đại học FPT. Phía Nam, Trường ĐH Hồng Bàng, Trường ĐH Duy Tân có đào tạo ngành học này. Trường ĐH Hà Nội cũng sẽ bắt đầu tuyển sinh ngành này vào năm 2019. Mỗi trường sẽ xây dựng chương trình với các đặc thù riêng, dựa trên thế mạnh của mình.

- Sinh viên tốt nghiệp ngành TTĐPT có thể công tác ở những vị trí nào, thưa ông?

- Tốt nghiệp ngành TTĐPT, sinh viên (SV) có trở thành nhân viên, cán bộ quản lý, điều hành trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông và tổ chức sự kiện. SV sẽ có lợi thế trong môi trường đòi hỏi kỹ năng về ngoại ngữ. Các em cũng có thể trở thành chuyên viên lập trình, phát triển ứng dụng, thiết kế, biên tập và triển khai các sản phẩm, dịch vụ đa phương tiện; tham gia vào các dự án với vai trò là người quản trị dự án về CNTT và truyền thông. Hoặc sau tốt nghiệp, SV có thể trở thành cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về quảng cáo và truyền thông tại các viện, trung tâm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo.

Cơ hội làm việc hấp dẫn, rộng mở

- Ông nhận định thế nào về nhu cầu nhân lực ngành TTĐPT hiện nay? Liệu cơ hội có rộng mở với các SV tốt nghiệp ngành TTĐPT?

TS Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng khoa Công nghệ thông tin(CNTT) - Trường ĐH Hà Nội

- Hiện tại Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động, sáng tạo, có năng lực ngoại ngữ, làm chủ CNTT để đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.

Để có được thông tin về nhu cầu của xã hội và địa phương đối với ngành TTĐPT, Trường ĐH Hà Nội đã tổng hợp kết quả khảo sát tình hình việc làm của 342 SV tại 7 trường ĐH phía Bắc, học các ngành liên quan đến TTĐPT đã tốt nghiệp năm 2016, 2017. Đồng thời, khảo sát nhu cầu nhân sự ngành TTĐPT giai đoạn 2020 - 2024 của 15 doanh nghiệp với tính chất và quy mô đa dạng, hoạt động trong các lĩnh vực liên quan.

Kết quả khảo sát nhu cầu nhân sự của 15 doanh nghiệp trong địa bàn Hà Nội cho thấy: 100% các doanh nghiệp được khảo sát có nhu cầu và kế hoạch tuyển dụng hàng năm (trong giai đoạn 2020 - 2024) với nhân sự thuộc các lĩnh vực thuộc ngành TTĐPT như: Sản xuất nội dung số, Truyền thông số & Quảng cáo trực tuyến, Thương mại điện tử, Dịch vụ và ứng dụng mobile. Tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp mà số lượng nhân sự cần tuyển dao động từ dưới 10 người tới trên 50 người. Đa số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tăng dần hàng năm.

Ngoài ra, kết quả khảo sát tình hình việc làm của SV cho thấy: 91% SV học các ngành liên quan đến TTĐPT tìm được việc làm phù hợp trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp. Khoảng 61% SV làm việc cho các công ty tư nhân, khoảng 15% SV làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài. Đặc biệt có 22 SV trong tổng số 311 SV có khả năng tự tạo việc làm. Mức thu nhập bình quân của các đối tượng được khảo sát khoảng 8,5 triệu đồng mỗi tháng.

- Yêu cầu đối với SV muốn theo học ngành này như thế nào?

- Ngành TTĐPT có sự giao thoa kiến thức của nhiều lĩnh vực như CNTT, mỹ thuật, truyền thông, marketing… nhưng yêu cầu quan trọng nhất đối với người học ngành này là cần có sự đam mê và liên tục sáng tạo. Bên cạnh đó, năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) cũng là một yếu tố rất quan trọng để bảo đảm thành công khi theo học và làm việc trong ngành này để có thể cập nhật thường xuyên kiến thức từ các nước tiên tiến.

Đào tạo truyền thông đa phương tiện bằng tiếng Anh

- Năm 2019, Trường ĐH Hà Nội bắt đầu tuyển sinh ngành TTĐPT. Ngành học này của trường có khác biệt gì so với những đơn vị khác hay không?

- Một trong những điểm nhấn của ngành TTĐPT tại Trường ĐH Hà Nội là chương trình đào tạo tiên tiến, được tham khảo có chọn lọc từ các chương trình đào tạo quốc tế của Mỹ và Australia để đáp ứng xu thế hiện đại và nhu cầu nhân lực mới trong ngành truyền thông trong nước và nước ngoài.

Chương trình cung cấp kiến thức nền tảng của ba ngành: Công nghệ thông tin, truyền thông, marketing; cung cấp kiến thức chuyên sâu về truyền thông, quảng cáo, marketing, kinh doanh điện tử, thiết kế nội dung số, lập trình phát triển sản phẩm đa phương tiện…

Ngoài ra, SV còn được rèn luyện kỹ năng chuyên môn, năng lực thực hành nghề nghiệp trong các hoạt động như: Xây dựng chiến lược truyền thông, quảng cáo; thiết kế và phát triển các sản phẩm truyền thông, quảng cáo đa phương tiện; tổ chức sự kiện; xây dựng và phát triển thương hiệu. Chương trình đào tạo có nội dung thực hành đa dạng, số giờ thực hành chiếm trên 60% nội dung toàn khóa.

Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điều này rèn luyện cho SV kỹ năng sử dụng tiếng Anh tốt (đạt năng lực tiếng Anh bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam), có khả năng học tập và làm việc trong môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh vì trên 90% giảng viên của chúng tôi được đào tạo tại Anh, Australia, Hoa Kỳ.

Việc làm của sinh viên luôn là điều mà chúng tôi rất quan tâm. Do đó, chương trình có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia trong ngành. Có cam kết tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng nội dung học phần, tổ chức giảng dạy, tổ chức thực tập, và đảm bảo đầu ra sau khi tốt nghiệp.

- Lời khuyên của ông đối với các thí sinh muốn thi vào ngành TTĐPT của Trường ĐH Hà Nội?

Năm 2019, Trường ĐH Hà Nội tuyển sinh 50 chỉ tiêu cử nhân ngành TTĐPT đào tạo bằng tiếng Anh. Phương thức xét tuyển là kết quả thi THPT quốc gia tổ hợp các môn D01: Toán, Văn, Tiếng Anh (hệ số 1). Nhà trường có thể có thêm một vài phương thức xét tuyển nữa để thu hút các học sinh giỏi hoặc có năng lực tiếng Anh tốt. Tuy nhiên, các phương án mới này sẽ được công bố trong 1 - 2 tuần nữa, vào khoảng cuối tháng 3/2019. Nếu các em say mê ngành học và dành tình cảm cho Trường ĐH Hà Nội, hãy học đúng phương pháp, chăm chỉ rèn luyện, đặc biệt xác định mục tiêu và kiên trì theo đuổi mục tiêu ấy.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.