Kỳ Thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2019: Chọn ngành vừa sức hay trường danh tiếng?

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia càng đến gần cũng đồng nghĩa với việc các bạn học sinh cuối cấp và phụ huynh đang tính toán để lựa chọn một ngành, trường nào đó. 

HS năm cuối cần được tư vấn chọn trường, ngành để tránh trượt oan
HS năm cuối cần được tư vấn chọn trường, ngành để tránh trượt oan

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2018 được coi là rất êm ả, các trường và người học hết sức thuận lợi trong xét tuyển. Điều này đánh dấu việc các nhà trường đã chủ động nhiều hơn trong công tác xét tuyển, cho dù không hạn chế nguyện vọng đăng ký nhưng không xảy ra tình trạng ảo. Người học đã xác định đúng mức năng lực của mình để chọn trường.

Người chọn trường, trường chọn người

Mùa tuyển sinh ĐH 2019, nhiều trường đại học top đầu đã đưa ra phương án tuyển sinh bên cạnh việc lấy kết quả từ Kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường thể hiện quyền tự chủ bằng các quy định cụ thể hóa chuẩn xét tuyển với những tiêu chí vừa mang tính đặc thù nguồn tuyển với chuẩn ngoại ngữ quốc tế. Như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội đưa ra yêu cầu xét tuyển, bên cạnh kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia 2019, trường đã sử dụng kết quả của các kỳ thi chứng chỉ quốc tế như chứng chỉ quốc tế của Đại học Cambridge, Anh (chứng chỉ A-Level), kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT của Hoa Kỳ. Năm 2019, trường sử dụng kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của các kỳ thi như IELTS, TOEFL... thay cho điểm thi môn Tiếng Anh, hai môn còn lại lấy điểm từ Kỳ thi THPT quốc gia (trong đó bắt buộc phải có môn Toán).

Trường Đại học Ngoại thương đưa ra phương án tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2019 với 3.850 chỉ tiêu, cơ sở Hà Nội là 2.750, cơ sở II - TPHCM là 950 và cơ sở Quảng Ninh là 150. Với 4 phương thức xét tuyển sinh: Tuyển thẳng; sử dụng kết quả thi THPT quốc gia 2019; kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; và phương thức mới là kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập 3 năm THPT. Nhìn vào phương thức tuyển sinh của Đại học Ngoại thương có thể thấy trong 4 phương thức xét tuyển thì có 2 phương thức dùng kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học tập 3 năm THPT kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ. Theo yêu cầu của trường này, ở một số ngành đào tạo phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS (academic) từ 6,5 trở lên, hoặc TOEFL PBT từ 550 trở lên, hoặc TOEFL iBT từ 90 trở lên. Các ngành Tiếng Nhật Thương mại, Tiếng Trung Thương mại, Tiếng Pháp Thương mại đều yêu cầu có chứng chỉ do các tổ chức uy tín cấp.

Nhiều trường đại học top đầu khác đều có những quy định khắt khe về xét tuyển sinh từ điểm thi THPT quốc gia và các phương thức khác, tất cả không ngoài yêu cầu kiểm soát chuẩn đầu vào chất lượng. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, đây là cách làm đúng vì thực tế là các trường có làm như vậy thì mới tránh được tình trạng thí sinh ảo, thí sinh không đủ năng lực học tập nhưng vẫn làm hồ sơ xét tuyển vào trường. Những trường top đầu càng đưa ra các rào cản kỹ, các ngưỡng xét tuyển chi tiết bao nhiêu thì càng gỡ rối cho công tác xét tuyển sau này ở toàn hệ thống tốt bấy nhiêu. Năm 2018 đã đánh dấu thành công bằng việc một số trường đưa ra quy định mức xét tuyển. Đây là một trong những tác nhân quan trọng để lọc thí sinh ảo cho trường mình. Thực tế minh chứng khi không có điểm thi THPT cao cùng với không đủ các chứng chỉ với mức đảm bảo yêu cầu chuẩn (như ngoại ngữ), thí sinh sẽ tránh những trường quá sức mình mà tìm đến những trường vừa tầm.

Liệu sức mình để tránh trượt oan

Ảnh Ngọc Dư
 Ảnh Ngọc Dư

PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương - cho rằng: Các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần là bạn, là chuyên gia để đưa ra lời khuyên cho con em mình trước ngưỡng cửa vào đời. Hơn ai hết các thầy cô giáo và phụ huynh gần gũi con em mới hiểu được lực học của các bạn thế nào. Nếu sức học vừa phải, đừng quá kỳ vọng vào những trường đại học lớn. Như Trường Đại học Ngoại thương nếu không có năng lực học tập tốt thì không thể theo học được ở đây, sinh viên Ngoại thương ngập trong một bể kiến thức, từ ngoại ngữ đến chuyên ngành, kỹ năng sống… đòi hỏi cường độ học tập cao và năng lực tự học vô cùng lớn. Chính vì thế, việc xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia và học bạ THPT nhà trường đưa yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế cũng để giúp các bạn tự đánh giá lại bản thân mà điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, tránh việc cứ đăng ký vào trường rồi trượt oan.

Thầy Đỗ Đại Đoàn - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn (Quảng Ninh), cho biết: Hãy giúp các em định hình đúng năng lực bản thân. Chúng tôi luôn xác định học sinh của trường nằm ở khu vực xã đảo Quan Lạn. Những năm gần đây, đảo là trung tâm du lịch, chỉ số ít người dân kinh tế khá hơn, còn phần lớn đi biển nên cũng khó khăn, cũng mong muốn con em học hành tốt nhưng lại chưa biết cách làm thế nào để đầu tư hiệu quả nhất. Thế nên, nhiệm vụ của các thầy cô giáo là vô cùng nặng nề. Các thầy cô phải là bạn, là cha mẹ và là người thầy để chỉ bảo và đưa ra tư vấn hợp lý nhất cho các em. Nhà trường luôn yêu cầu các thầy cô tìm hiểu và đưa ra lời khuyên tốt nhất cho học sinh của mình. Sức học vừa phải lựa chọn các đại học địa phương là điều nên làm vì vừa gần nhà, chi phí học tập đỡ tốn kém hơn các thành phố lớn. Nhờ tư vấn tốt nên những năm gần đây, một số em đã vào đại học, cũng có nhiều em đi học nghề.

Giờ Toán cho lớp 12 A2, của cô giáo Lê Thị Hoàng Giang, Trường THPT Vũ Văn Hiếu, TP Hạ Long, chưa phải giờ ôn luyện nhưng trong lớp đã có sự phân hóa rõ. Bạn nào có nhu cầu học vào những trường top đầu, bạn nào có nhu cầu học trường top giữa, hay bạn nào chỉ mong tốt nghiệp THPT để theo học nghề, cô giáo đều phải nắm vững. Chỉ đơn giản từ một bài toán, vừa giúp Nguyễn Thị Hồng Vân giải toán, cô Giang vừa tư vấn để Vân thấy được lực học của em có thể theo học ngành du lịch ở trường nào là hợp lý. Cô Giang cho rằng với sức học của nhiều bạn trong lớp và các lớp khác trong trường, khi tư vấn cô giáo luôn khuyên nếu lựa chọn những trường top giữa các em cần cố gắng thêm, trường đại học địa phương và học nghề là hướng mà phần đông học sinh nên lựa chọn. Cô giáo cũng đặc biệt nhấn mạnh là vào đại học chỉ là bước đi đầu tiên trong cuộc đời, hãy lựa chọn đúng để có niềm tin tạo đà bước tiếp.

NGƯT Vũ Liên Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh nhận định: Những năm gần đây, Sở GD&ĐT luôn chỉ đạo các nhà trường làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là những học sinh cuối cấp. Quảng Ninh là một tỉnh được ví như Việt Nam thu nhỏ, có trung tâm kinh tế - xã hội phát triển, có vùng dân tộc, miền núi, hải đảo. Thế nên, nhiệm vụ của các thầy cô giáo vô cùng nặng nề, hơn ai hết các thầy cô giáo phải là những người bạn giúp các em lựa chọn cánh cửa nào để vào đời phù hợp với mình nhất.n

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ