Ai cũng có thể nhận xét, ngành Sư phạm đã không còn có sức hút như thời “hoàng kim” của những năm về trước. Cái gì cũng có nguyên nhân, làm một phép so sánh đơn giản là, những thí sinh đạt 27 điểm/3 môn trở lên, sẽ có nhiều lựa chọn học ở đâu, trường nào. Nhưng chắc chắc một điều: Sẽ có rất ít thí sinh chọn học ngành Sư phạm. Nhiều khả năng các em sẽ lựa chọn những ngành nghề, trường học mà cơ hội việc làm và mức thu nhập cao; trong khi đó nếu học ngành Sư phạm vừa khó xin việc, thu nhập lại vừa thấp thậm chí còn phải “lấy nghề phụ để nuôi nghề chính”.
Đó là thực tế và chúng ta phải chấp nhận điều đó. Nhưng chấp nhận không có nghĩa là buông xuôi mà cần “nhìn thẳng, nói thật” để có giải pháp tháo gỡ, nhằm tạo sức hút cho ngành Sư phạm - “máy cái” về nguồn nhân lực.
Thực tế, Bộ GD&ĐT đã và đang nỗ lực tìm giải pháp nâng cao chất lượng ngành Sư phạm. Còn nhớ, năm 2018, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường sư phạm tuyển sinh đầu vào với “điềm sàn” cao hơn các năm trước. Cùng với đó là giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Mục đích không chỉ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Sư phạm mà còn để các trường sẽ tuyển được những thí sinh thực sự yêu nghề.
Hay như tỉnh Thanh Hóa, năm 2018 đã có bước đột phá trong đào tạo sư phạm, theo địa chỉ sử dụng. Theo đó, từ năm 2018, Trường ĐH Hồng Đức sẽ tổ chức tuyển sinh 4 ngành ĐH Sư phạm chất lượng cao gồm: Toán học, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử với 20 chỉ tiêu/ngành, nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao giai đoạn 2022 - 2030. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng khi địa phương chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Sư phạm.
Song các giải pháp mà Bộ GD&ĐT đưa ra với ngành Sư phạm hay sự chủ động của tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa phải là giải pháp căn cơ. Gốc rễ của vấn đề là cơ chế tuyển dụng đối với giáo viên, trong đó có đội ngũ sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.
Về vấn đề này, nhiều Đại biểu Quốc hội từng đề xuất, để ngành Sư phạm là niềm mơ ước của học sinh, sinh viên thì cần thay đổi chính sách tuyển dụng giáo viên. Học sinh, sinh viên sư phạm sau khi ra trường phải được phân công, bố trí việc làm.
Đáng chú ý là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khi ông đề xuất, tuyển dụng giáo viên nên theo cách như của quân đội, cần bao nhiêu thì tuyển bấy nhiêu. Sinh viên sư phạm ra trường là xếp việc, không phải thi công chức, viên chức. Và chúng ta phải đào tạo theo chỉ tiêu, có chỉ tiêu rõ ràng và thi tuyển nghiêm túc vào trường Sư phạm. Sau khi ra trường, sinh viên sẽ được phân công công việc ngay.
Đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ từ Chính phủ đến các Bộ, ngành và các địa phương. Một khi SV Sư phạm ra trường được bảo đảm việc làm với mức lương đủ sống thì lúc đó người giỏi sẽ vào ngành sư phạm giống như quy luật tự nhiên “hữu xạ tự nhiên hương”.