Trường học chật vật dạy học trở lại sau mưa lũ

GD&TĐ - Mưa lũ kéo dài tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều trường học.

Học sinh điểm trường Tà Sỏi tham gia dọn dẹp vệ sinh trước buổi học đầu tiên sau lũ.
Học sinh điểm trường Tà Sỏi tham gia dọn dẹp vệ sinh trước buổi học đầu tiên sau lũ.

Đồ dùng học tập, sinh hoạt của hàng nghìn học sinh bị nước lũ cuốn trôi. Sau khi lũ rút, các trường học khẩn trương khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh... đưa việc dạy học sớm trở lại bình thường.

Nhiều học sinh chưa thể tới trường

Sáng 2/10, hàng trăm học sinh huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An chưa trở lại trường học bởi việc khắc phục hậu quả lũ lụt còn dang dở. Những ngày qua, thầy cô Trường Tiểu học và Mầm non Châu Thắng khẩn trương thu dọn vệ sinh, song do ảnh hưởng quá nặng, khuôn viên trường rộng nên việc ổn định trường lớp chưa kịp hoàn thành.

Cô Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Thắng chia sẻ: “Chúng tôi huy động mọi lực lượng để khắc phục bão lũ nhưng trường ngập sâu trong nước nên nỗi lo lắng dịch bệnh bùng phát rất lớn. Thứ 2 và 3 nhà trường phun thuốc khử trùng, sáng thứ 4, học sinh sẽ đi học bình thường”.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, toàn tỉnh có 117 trường học bị ngập nước. Riêng huyện Quỳ Châu thiệt hại nặng nề nhất với 7 trường bị ngập sâu; nhiều phòng học, nhà chức năng bị sập trần, tốc mái; 1.055 mét tường rào đổ sập.

Về trang thiết bị đồ dùng dạy học, có 189 tủ và 351 bộ thiết bị hư hỏng không thể khắc phục; hơn 2 nghìn bộ bàn ghế học sinh và giáo viên cùng 106 bộ máy vi tính và các tài sản khác chìm trong nước; hơn 2 nghìn bộ sách giáo khoa, tài liệu học tập hư hỏng. Ước tính thiệt hại về tài sản, trang thiết bị dạy học trên địa bàn huyện Quỳ Châu là 22 tỷ đồng.

Hơn 2.500 bộ sách giáo khoa của học sinh Nghệ An bị hư hỏng, hoặc nước lũ cuốn trôi.

Hơn 2.500 bộ sách giáo khoa của học sinh Nghệ An bị hư hỏng, hoặc nước lũ cuốn trôi.

Tại Thanh Hóa, ông Hà Tự Nhiên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước cho hay, thiệt hại lớn nhất đợt lũ vừa qua là một học sinh lớp 8, Trường THCS Lương Nội tử vong khi đi qua đập tràn. Lãnh đạo UBND huyện và phòng GD&ĐT đã chỉ đạo, tham gia phối hợp hỗ trợ lực lượng cứu nạn tìm kiếm học sinh; cùng đó đến thăm hỏi, chia buồn, động viên gia đình vượt qua đau thương, mất mát.

Về cơ sở vật chất, một số phòng học của trường mầm non xã Điền Trung, Điền Thượng bị hư hỏng nhẹ; nhiều mảng tường rào các trường xã Thành Lâm, Điền Lư bị đổ. “Một số phòng học ngấm nước được khắc phục còn tường rào chưa thể sửa ngay. Những tổn hại này không ảnh hưởng quá lớn nên học sinh không phải nghỉ học.

Riêng điểm lẻ Trường Mầm non khu Muốn thuộc xã Điền Quang bị lật trần nên trẻ không thể học, tạm học nhờ nhà văn hóa thôn. Hiện, một số nhà tài trợ hứa hỗ trợ kinh phí sửa sang lại”, ông Nhiên thông tin.

Trường THCS Hòa Hải (Hương Khê, Hà Tĩnh) ngập lụt do mưa lũ.

Trường THCS Hòa Hải (Hương Khê, Hà Tĩnh) ngập lụt do mưa lũ.

Sớm ổn định dạy học

Mưa lớn tại Quảng Bình gây chia cắt cục bộ giao thông tại một số địa bàn miền núi khiến nhiều trường phải tạm ngừng dạy - học để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, theo thông tin từ sở GD&ĐT, sáng 2/10, các cơ sở giáo dục đã trở lại dạy học bình thường. Về cơ sở vật chất, trường học không bị thiệt hại nặng. Ông Đinh Tuấn Anh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa thông tin, các trường học đã khẩn trương quét dọn vệ sinh khuôn viên và tổ chức dạy học theo kế hoạch.

Trong khi đó, tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), mưa lớn khiến địa phương ngập cục bộ, giao thông ách tắc, hơn 4 nghìn học sinh tiểu học, THCS và trẻ mầm non phải nghỉ học. Ngay sau khi nước rút, các trường học tổ chức dọn dẹp vệ sinh sân trường, lớp học và dạy bù kiến thức, chương trình cho học sinh.

Tại Trường THCS Hòa Hải, mưa lớn làm ngập sân trường trong 4 ngày. Dù vậy, công tác giảng dạy của thầy và trò vẫn diễn ra bình thường. Theo thầy Nguyễn Văn Đồng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Hải, khu vực nhà trường bị ngập từ 5 - 10cm còn đường đến trường của tất cả học sinh vẫn thuận lợi, do đó sĩ số vẫn giữ vững.

“Ngay khi mưa ngớt, trường huy động giáo viên khơi thông cống rãnh thoát nước. Nước rút đến đâu, thầy cô quét dọn đảm bảo vệ sinh môi trường học tập cho học trò tới đó”, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Hải thông tin.

Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm tra và vệ sinh nguồn nước tại khu dân cư và trường học trên địa bàn.

Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm tra và vệ sinh nguồn nước tại khu dân cư và trường học trên địa bàn.

Hỗ trợ sách giáo khoa, tổ chức dạy bù cho học sinh

Sáng 2/10, đúng 7 giờ 15 phút, buổi lễ chào cờ của điểm trường Tà Sỏi (thuộc Trường Tiểu học Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu - Nghệ An) được tổ chức gọn nhẹ nhưng đầy xúc động với sự tham gia của thầy cô cùng hơn 120 học sinh và nhiều phụ huynh. Dù điều kiện dạy học khó khăn, cơ sở vật chất chưa khắc phục xong, nhưng việc trở lại trường sau nhiều ngày nghỉ học do ảnh hưởng mưa lũ khiến thầy, trò và phụ huynh phấn khởi, háo hức.

Tà Sỏi là điểm trường đầu tiên của Trường Tiểu học Châu Hạnh ổn định dạy học trở lại. Nhiều phụ huynh đưa con đến trường sớm hơn ngày thường và nán lại để cùng thầy cô, học sinh dọn vệ sinh, sắp xếp trường lớp.

Cô Trần Thị Lệ - Hiệu trưởng cho hay: Được sự hỗ trợ của nhiều lực lượng, phụ huynh và nỗ lực của giáo viên, công tác khắc phục bão lũ ở điểm trường Tà Sỏi diễn ra khẩn trương. “Việc dọn dẹp vệ sinh điểm trường được chúng tôi ưu tiên hoàn thành sớm để học sinh không bị gián đoạn học tập. Tuy nhiên, về lâu dài, điểm trường còn nhiều khó khăn bởi cơ sở vật chất đã bị hư hỏng hết trong mưa lũ”, cô Lệ lo lắng chia sẻ.

Còn theo bà Trần Thị Châu – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu, trên địa bàn còn 2 trường học ở xã Châu Thắng chưa thể dạy học. Sáng 2/10, huyện họp và rà soát lại toàn bộ thiệt hại đồng thời lên kế hoạch bổ sung cơ sở vật chất cho các trường. Trước mắt, sách giáo khoa cho học sinh đã cơ bản đầy đủ. Huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ những vấn đề cấp thiết cho nhà trường như trang thiết bị để tổ chức dạy học bán trú, mua sắm lại bàn ghế bị hư hỏng hoặc đồ dùng dạy học cơ bản...

Theo kế hoạch, thứ 4 tuần này, Trường THCS Hương Lâm (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) tổ chức học bù cho tất cả học sinh khối lớp 6 người Chứt và học sinh các khối nghỉ học do mưa lũ. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Ngô Quang Hiền, tuần qua có 124/642 học sinh nghỉ học, phần lớn các em vắng học ở khu vực: Thôn 5, Trường Sơn (xã Hương Lâm) và học sinh người Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên).

“Đối với lớp ít học sinh, nghỉ từ 1 buổi, nhà trường phân công giáo viên hỗ trợ tài liệu, tranh thủ dạy bù kiến thức cho các em ngay sau buổi học. Với lớp đông học trò, nghỉ dài ngày, ban giám hiệu bố trí dạy bù bắt đầu từ chiều thứ 4 tuần này. Học sinh vắng môn nào, chúng tôi sẽ dạy bù môn đó”, thầy Ngô Quang Hiền thông tin.

Trước thiệt hại lớn do mưa lũ gây ra, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cùng đoàn công tác đã tới thăm hỏi, động viên học sinh, thầy, cô giáo huyện Quỳ Châu. Đoàn tặng gần 300 suất quà cho học sinh, giáo viên Trường THPT Quỳ Châu; 1.000 bộ sách giáo khoa cho học sinh bị thiệt hại do lũ; trao 50 triệu đồng cho Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu, Trường Mầm non Châu Thắng… Tổng trị giá quà hỗ trợ gần 400 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.