Giáo viên, phụ huynh xắn tay dọn dẹp sau lũ
Ngày 28/9, toàn bộ giáo viên Trường Mầm non Nghĩa Lạc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cùng phụ huynh, đoàn thành niên, lực lượng địa phương cùng tập trung dọn dẹp, đưa khối lượng đất đá, bê tông vỡ ra khỏi trường.
Trận mưa lớn liên tục cuối tuần trước đã đánh sập hết tường bao xung quanh, bóc nền gạch sân trường vỡ nát. Ngoài ra, một lượng đất đá lớn theo dòng nước lũ tràn vào trong phòng học, gây hư hỏng phần lớn đồ dùng, đồ chơi, tủ đựng quần áo của trẻ. Máy tính, tivi trong phòng học và của nhà trường cũng bị ngâm nước, bùn đất.
Cô Đặng Thị Kim Nhung – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trận lũ về quá đột ngột khiến chúng tôi trở tay không kịp. Chỉ trong 1 buổi chiều, cơ sở vật chất, phòng học của trường đã bị hư hỏng chỉ còn một đống ngổn ngang bùn đất. Hiện nay, chúng tôi chưa tổ chức dạy học vội. Sau khi vệ sinh, khủ khuẩn, nhà trường dự kiến đến 4/10 sẽ chính thức đón trẻ trở lại.
Để chuẩn bị cho năm học mới, giáo viên cùng phụ huynh đã dọn dẹp, vệ sinh, trồng cây, sửa soạn nhiều đồ chơi mới. Công tác chuẩn bị cho năm học mới đã tươm tất, đầy đủ chỉ chờ ngày tựu trường. Vậy mà trận lũ đã cuốn đi hết công sức của chúng tôi...”, cô Kim Nhung xót xa nói.
Sau khi lũ rút, các cô giáo, phụ huynh tiếp tục quay lại trường. Những đồ dùng, bàn ghế chưa hư hỏng được đưa ra lau rửa, vệ sinh, phơi khô để dùng lại. Những lớp học bám đầy bùn đất cũng được mọi người cùng xắn tay dọn bùn đất ra khỏi lớp học.
Riêng bê tông vỡ nát từ tường bao xung quanh đổ sập, nhà trường không thể tự xử lý được. Vì vậy, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, máy móc đến để di dời ra ngoài khuôn viên nhà trường.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Lạc cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng làm lại từ đầu, để ngày 4/10 vẫn kịp đón trẻ trở lại. Năm nay, trường có hơn 220 cháu, trong đó con em đồng bào dân tộc Thái, Thổ chiếm tới 99%. Sau khi hoạt động trở lại, nhà trường cũng sẽ tổ chức bán trú để đảm bảo quyền lợi và chăm sóc trẻ tốt nhất”.
Tại huyện Nghĩa Đàn, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng cho cơ sở vật chất nhiều trường học. Theo đó, Trường Mầm non Nghĩa Yên, Tiểu học Nghĩa Sơn bị đổ tường bao, nước lũ cuốn bong gạch nền sân trường. Trường THCS Long Lộc cũng bị đất đá trên đồi sạt lở vùi lấp sân đến tận tường phòng học.
Đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất đón trẻ trở lại trường
Ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT Nghĩa Đàn cho biết, trước mắt, Phòng chỉ đạo các nhà trường phối hợp với lực lượng địa phương dọn dẹp, khắc phục hậu quả mưa lũ. Khi đảm bảo an toàn mới đón học sinh trở lại. Sau đó, thống kê thiệt hại và báo cáo về Phòng để có kế hoạch tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất.
Khi những đợt mưa lớn vừa dứt, Trường mầm non Quỳnh Hồng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn ngập sâu trong nước. Nhiều đồ dùng đồ chơi bị nước cuốn ra ngoài nằm ngổn ngang tỏng lớp bùn đất. Trời nắng nhưng nước rút chậm, nhà trường chủ trương “nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó".
Từ ngày 25/9, khi mưa lớn dồn dập, nhà trường cùng Đoàn thanh niên thị trấn chạy đến trường để kê chăn, mùng, đồ sinh hoạt của trẻ lên cao. Riêng các thiết bị dạy học điện tử được chuyển lên tầng hai của nhà hiệu bộ. Tuy nhiên, do nước dâng nhanh, mưa kéo dài nên nhiều dồ dùng đồ chơi không kịp di chuyển đã bị hư hỏng.
Trước đó, Trường mầm non Quỳnh Hồng là điểm cách ly tập trung phòng Covid-19, đón người dân của xã về quê cách ly. Khi những công dân cuối cùng rời khu cách ly, các cô giáo đến lau chùi lại đồ chơi, thiết bị dạy học để sẵn sàng đón trẻ sau nhiều tháng nghỉ hè.
"Theo kế hoạch, đến 4/10, hơn 513 học sinh của 16 nhóm lớp sẽ đến trường. Nhưng bất ngờ mưa lũ ập đến, chúng tôi phải dọn trường lớp lại từ đầu", cô Trịnh Thị Thúy – Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Hồng cho hay.
Ông Trần Xuân Nhương – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu cho hay: Theo thống kê ban đầu, toàn huyện có 10 trường tiểu học, 11 trường THCS đang phải nghỉ học do nước ngập với hơn 6.000 học sinh. Những học sinh này là con em ở các xã Cầu Giát, Quỳnh Hồng, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hưng, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Giang...
Hiện Phòng GD&ĐT Quỳnh Lưu đã chỉ đạo cơ sở giáo dục chủ động dọn dẹp, thau rửa, vệ sinh khử khuẩn để đảm bảo an toàn, phòng chống các loại bệnh dịch sau lụt.