Dẫu còn thiệt hại chưa khắc phục hết, nhưng trường lớp đã đông đủ. Khó khăn sẽ qua, năm học sẽ vẫn tiếp tục với nhiều quyết tâm hơn để đạt kế hoạch, mục tiêu phía trước.
Buổi học sau ngày mưa lũ
Trường THPT Đặng Thúc Hứa (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã dạy học trở lại ngay sau khi nước rút. Trường nằm ở bên tả sông Lam, đợt mưa lũ vừa qua nước chỉ ngập vào trong sân nên không bị thiệt hại nhiều về phòng học, thiết bị. Tuy nhiên, học sinh của trường chủ yếu đến từ các xã vùng ven sông thấp trũng như: Thanh Hà, Thanh Long, Võ Liệt...
Thầy Lê Khắc Thái – Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Học sinh của trường ở vùng ngập nặng nhất của huyện Thanh Chương. Nhưng ngày đi học đầu tiên, các em đã đến trường đông đủ, nghiêm túc. Thực tế, ngay cả khi không lũ, đây cũng là vùng nông thôn khó khăn, dù vậy người dân và học sinh rất hiếu học, ham học. Nhà trường đã động viên, khích lệ tinh thần các em, để việc dạy học sớm đi vào nền nếp và sôi nổi trở lại.
Tại Trường THPT Thanh Chương 1 (huyện Thanh Chương), nước lũ lên và rút nhanh nên học sinh của trường ở thị trấn Dùng và lân cận đã sớm trở lại trường. Tuy nhiên, em Nguyễn Đăng Khoa (lớp 12A) chỉ mới đi học. Từ năm lớp 10, Khoa đã phải thuê trọ đi học do nhà cách xa trường 30km. Nhà em ở xã Thanh Mỹ (huyện Thanh Chương) – khu vực ngập nặng và bị cô lập lâu nhất của huyện trong đợt lũ vừa qua. Thời điểm đó, Khoa cùng các bạn xuống TP Vinh dự thi HS giỏi tỉnh. Thi xong, em chỉ kịp về đến phòng trọ tại thị trấn Dùng, thì mưa lớn, nước sông dâng nhanh. Nhà của Khoa bị ngập lên đến nóc, bố mẹ được đưa đi sơ tán ở nhà họ hàng. Chờ đến khi nước rút bớt, em mới về thăm nhà – lúc này ngập bùn đất và hư hỏng nhiều đồ đạc...
Thầy Lê Văn Vinh – giáo viên chủ nhiệm của Khoa cho hay: “Trận mưa lũ vừa qua, gia đình nhiều học sinh bị ngập sâu, hoa màu mất trắng. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần các em, vì vậy chúng tôi quan tâm, hỗ trợ để các em sớm ổn định tâm lý đi học và ôn thi. Những khó khăn sẽ dần khắc phục, quan trọng nhất là động viên để học sinh có thêm quyết tâm, nghị lực tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu của năm học cuối cấp”.
Lo cho học sinh để phụ huynh yên tâm
Tại huyện Đô Lương (Nghệ An), Trường Tiểu học Minh Sơn là 1 trong 7 trường học bị thiệt hại nặng nhất do mưa lũ. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi nước rút, công tác khắc phục hậu quả đã hoàn thành. Sân trường, phòng học được dội rửa sạch sẽ, số bàn ghế cũng phơi khô và sắp xếp gọn gàng về các lớp.
Theo thầy Nguyễn Xuân Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Sơn, trường bị hư hỏng hơn 35 bộ bàn ghế bằng gỗ ép dùng để phục vụ công tác bán trú. “Phụ huynh của trường chủ yếu làm công nhân của các nhà máy may công nghiệp trong huyện, nhu cầu gửi con ăn trưa tại trường lớn. Bên cạnh đó, đây là vùng có truyền thống hiếu học, đời sống người dân dù khó khăn vẫn ủng hộ nhà trường tổ chức bán trú để thuận lợi dạy học 2 buổi/ngày. Vì vậy, nguyện vọng của phụ huynh là trường có thể nấu cơm trưa cho các con ngay khi đi học trở lại”, thầy Hùng cho biết.
Trước nhu cầu đó, Trường Tiểu học Minh Sơn đã vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, khu vực nhà bếp. Luộc nước sôi dụng cụ nấu ăn và bát, thìa đũa... bảo đảm an toàn cho trẻ. Sửa chữa, tận dụng tối đa bàn ghế còn sử dụng được. “Đáng lo nhất là nguồn nước sau lũ có nguy cơ ô nhiễm. Vì thế, chúng tôi trích ngân sách để mua nước sạch về nấu ăn cho đến khi nguồn nước giếng khoan an toàn trở lại”, thầy Hùng cho hay.
Trường Mầm non Long Thành cũng phải nghỉ học khoảng 1 tuần do ở vùng thấp trũng, nước rút chậm.
Vừa dạy học, vừa khắc phục thiệt hại
Tại huyện Nghi Lộc, nước lũ khiến Trường MN Nghi Văn ngập 10 phòng học ở tầng 1, các thiết bị, đồ dùng nấu ăn bán trú, tủ lạnh bị hư hỏng. Nhiều trường học khác như THCS Nghi Quang, THCS Nghi Công, Tiểu học Nghi Phương... cũng bị đổ hàng chục mét tường rào xây, ướt hết sách vở tại phòng thư viện... Tuy nhiên, chính quyền địa phương và lực lượng quân đội đã kịp thời giúp trường học khắc phục hậu quả. Do đó, dù bị ảnh hưởng rất lớn nhưng học sinh toàn huyện đã đi học bình thường.
Ông Nguyễn Văn Thông – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc thông tin: Mưa lũ gây thiệt hại cho nhiều nhà trường nhưng qua đó cũng thấy được sự đoàn kết, tương trợ của chính quyền và người dân, phụ huynh. hải mất một thời gian nữa các trường bị ảnh hưởng mới khôi phục hoàn toàn, nhưng chúng tôi tin ngành Giáo dục huyện nhà sẽ vượt qua khó khăn và bảo đảm việc dạy và học ở các nhà trường.
“Chúng tôi bố trí cho học sinh học bù vào ngày thứ 7, và dự kiến sau 3 tuần 2 phân hiệu sẽ cùng đuổi kịp chương trình năm học theo kế hoạch. Ngày Chủ nhật học sinh vẫn được nghỉ để tránh áp lực cho các em, thầy Trần Văn Hải nói...