Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm: Con đường nghiên cứu in đậm bóng dáng thầy cô

GD&TĐ - Trở về sau khi tốt nghiệp tiến sĩ và 2 năm làm việc tại Hàn Quốc, TS Hồ Thanh Tâm bộc bạch: Nhờ những thầy cô nghiêm khắc đã giúp tôi gặt hái thành công trên con đường nghiên cứu.

TS Hồ Thanh Tâm (phải) và GS Park So Young. 	Ảnh: NVCC
TS Hồ Thanh Tâm (phải) và GS Park So Young. Ảnh: NVCC

Người truyền lửa đam mê

TS Hồ Thanh Tâm - giảng viên Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những năm phổ thông, chàng trai trẻ đã nhận thức phải phấn đấu học tập để giúp gia đình, quê hương thoát nghèo.

TS Hồ Thanh Tâm bồi hồi nhớ lại: Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi theo học ngành Công nghệ Sinh học tại Trường Đại học Đà Lạt (Lâm Đồng). Thời sinh viên, tôi đi dạy gia sư, làm thêm tại các nhà vườn để có tiền trang trải cuộc sống.

Tham gia nghiên cứu trong phòng lab tại Trường Đại học Đà Lạt từ năm nhất, TS trẻ bày tỏ: Thời gian đầu, sinh viên nào cũng hào hứng khi được làm việc trong phòng thí nghiệm. Nhưng dần dần, chúng tôi cảm thấy khó khăn, nhàm chán và muốn bỏ cuộc.

Trong quãng thời gian đấy, tham gia hoạt động Đoàn trường là phương pháp giúp TS Tâm giữ vững tinh thần lạc quan, nhiệt huyết để vượt qua khó khăn. “Là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên khoa Sinh học, tôi được làm quen nhiều bạn bè, thầy cô, tham gia các hoạt động tình nguyện, xã hội. Những trải nghiệm này giúp tôi tôi luyện tinh thần lạc quan, tự tin và hoạt động nhóm”, anh Tâm vui vẻ kể lại.

Thông qua hoạt động đoàn, anh có cơ hội làm quen với ThS Trần Thị Nhung, Bí thư Đoàn Thanh niên khoa Sinh học đồng thời phụ trách phòng lab. Hai cô trò cùng tham gia nhiều hoạt động tại trường học nên dễ dàng chia sẻ những khó khăn trong công việc. “Cô đã truyền cảm hứng để tôi nỗ lực hoạt động trong phòng thí nghiệm nhưng không quên gắn bó sâu hơn nữa cùng công tác Đoàn. Cùng với đó là sự hỗ trợ và hướng dẫn từ TS Hoàng Thị Như Phương, giúp cho tôi có thêm động lực và đam mê trong nghiên cứu”, anh nhớ lại.

Sau khi tốt nghiệp, anh ở lại trường học cao học. Dự tính học xong sẽ đi xin việc nhưng bước rẽ đến với cuộc đời khi anh được GS.TS Dương Tấn Nhựt - Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, hướng dẫn và khơi gợi niềm say mê học thuật.

“Thầy Nhựt vô cùng nghiêm khắc trong công việc. Nhưng nhờ sự rèn giũa của thầy, tôi học được cách làm việc khoa học, nghiêm túc, bảo đảm tiến độ công việc đề ra. Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy chúng tôi tác phong, cách thức tổ chức công việc mà sau này đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình nghiên cứu tại Hàn Quốc”, TS Tâm cho hay.

Những tháng ngày học cao học tại Trường ĐH Đà Lạt có rất nhiều kỉ niệm, song TS Tâm nhớ nhất quãng thời gian được tham gia cùng GS.TS Dương Tấn Nhựt thực hiện dự án nhân giống vô tính và bảo tồn cây sâm Ngọc Linh.

“Những ngày đó, thầy trò chúng tôi ngược xuôi từ Kon Tum ra Đà Lạt, lại từ Đà Lạt leo lên đỉnh núi Ngọc Linh để nhân giống cây sâm. Khó khăn và trắc trở nhưng mọi người đều cảm thấy vui vẻ, xúc động khi được tham gia dự án ý nghĩa này. Cũng không biết từ khi nào, thầy Nhựt đã khiến tôi nghiêm túc suy nghĩ đến nghiên cứu khoa học”, anh Tâm kể.

Không chỉ thắp lên ngọn lửa đam mê, thầy Nhựt đã giới thiệu học trò chương trình học bổng toàn phần đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Quốc gia Chungbuk, Hàn Quốc. Từ đây, con đường nghiên cứu khoa học của chàng trai Hồ Thanh Tâm bước sang chặng đường mới.

TS Hồ Thanh Tâm (ngoài cùng bên trái) bảo vệ luận văn thạc sĩ. Ảnh: NVCC
TS Hồ Thanh Tâm (ngoài cùng bên trái) bảo vệ luận văn thạc sĩ. Ảnh: NVCC

Không đơn độc

3 tháng đầu sang Hàn Quốc là những ngày TS Tâm “không thể nào quên”. Đầu tiên là bất đồng ngôn ngữ vì người ta nói mình không hiểu và ngược lại. Nhiều khi phải dùng điện thoại để dịch. Thêm nữa, bản thân không quen với khí hậu, đồ ăn ở đây.

Áp lực nghiên cứu tại Hàn Quốc rất lớn. Phòng thí nghiệm luôn sáng đèn 24 giờ, còn nghiên cứu sinh làm xuyên đêm để kịp tiến độ công việc. “Thời gian đầu, nhiều thí nghiệm làm không ra kết quả khiến tôi rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Nhưng nhờ có sự động viên của GS Park So Young cùng các anh chị trong phòng thí nghiệm, tôi dần lấy lại tự tin và tiếp tục cố gắng” - TS Tâm kể và nhấn mạnh: “Trong những năm tháng học tập, tôi may mắn gặp được người thầy, người cô tâm huyết, hết lòng vì học trò. Chính sự nghiêm khắc của thầy cô đã truyền cho tôi động lực phải luôn cố gắng phấn đấu, giúp tôi rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ. Làm nghiên cứu khoa học, nếu không có những đức tính này sẽ khó có thể thành công”.

Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ và 2 năm làm việc tại Hàn Quốc để tích luỹ kinh nghiệm, TS Hồ Thanh Tâm đã trở về Việt Nam làm giảng viên tại Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. “Trước khi du học, tôi tâm niệm “đi để trở về”, vì tôi mong muốn được cống hiến sức mình cho khoa học nước nhà. Lựa chọn trở thành giảng viên, tôi có thể tiếp tục nghiên cứu khoa học; đồng thời, được chia sẻ kiến thức, truyền đam mê nghiên cứu cho các thế hệ sinh viên như những người thầy, người cô của mình”, TS Tâm cho hay.

Nỗ lực đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, TS Tâm đã xây dựng nhóm nghiên cứu tại Viện Sáng kiến sức khỏe toàn cầu, Trường ĐH Duy Tân, để cùng nhau thực hiện các công trình nghiên cứu trong thời gian tới. Các đề tài nghiên cứu của nhóm đi theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng nhằm tạo ra những cây giống chất lượng cao phục vụ sản xuất. Nghiên cứu sản xuất sinh khối và hợp chất thứ cấp từ nguồn cây dược liệu của Việt Nam nhằm tạo ra các sản phẩm về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... có giá trị cao, hữu ích cho cuộc sống.

Với những đóng góp cho khoa học, TS Hồ Thanh Tâm là một trong 10 gương mặt xuất sắc nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng lần thứ 18 năm 2020. Giải thưởng nhằm tôn vinh các tài năng trẻ Việt Nam (dưới 35 tuổi) có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.

Với sinh viên muốn đi theo con đường nghiên cứu khoa học, TS Tâm nhắn nhủ: Làm nghiên cứu đòi hỏi tính nghiêm túc, kiên trì nhưng các em không bao giờ đơn độc. Khi đã xác định được đam mê, nhận ra điều mình cần, các em hãy kiên trì và nghiêm túc theo đuổi. Thầy cô, bè bạn luôn ở bên và đồng hành cùng các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.