PGS.TS Lê Thị Kim Oanh: Nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp

GD&TĐ - Chọn con đường giảng dạy, PGS.TS Lê Thị Kim Oanh – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng không ngừng tự học và nghiên cứu để hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý ở mảng hợp tác quốc tế và NCKH.

Nhà giáo ưu tú Lê Thị Kim Oanh - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng
Nhà giáo ưu tú Lê Thị Kim Oanh - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng

Thúc đẩy tinh thần NCKH trong giảng viên nữ

Tốt nghiệp ngành Kinh tế công nghiệp, cô SV Lê Thị Kim Oanh là một trong những người đạt điểm cao nhất của khóa, đươc giữ lại trường làm giảng viên. Hai năm tập sự, đúng vào giai đoạn giao thời đổi mới, giảng viên trẻ Lê Thị Kim Oanh phải đọc, học rất nhiều để năm hết những kiến thức kinh tế sẽ áp dụng lúc đất nước mở cửa.

Để đáp ứng đòi hỏi của công việc, cô Kim Oanh đăng ký học thêm lớp tại chức tiếng Anh được mở lần đầu ở trường ĐH Ngoại ngữ. “Tiếng Nga của mình cũng khá tốt, các giảng viên có thâm niên trong trường theo tiếng Nga cũng nhiều. Lựa chọn học thêm ngoại ngữ tiếng Anh, mình đã chọn đi theo một “ngách” nhỏ” – cô Oanh chia sẻ.

Năm 1992, Học viện Công nghệ Châu Á (AIT) ở Thái Lan thông báo chương trình nghiên cứu thạc sĩ, thấy đáp ứng đủ điều kiện, nhất là ngoại ngữ, cô Kim Oang đăng ký và được chấp nhận. Bằng tại chức tiếng Anh và vốn liếng tiếng Anh có được từ quá trình tự học lúc này mới phát huy tác dụng.

Và cũng phải 10 năm sau, cô Lê Thị Kim Oanh mới hoàn thành chương trình tiến sĩ tại ĐH Kyoto. “Từ những trải nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng, với những nhà khoa học nữ, ngoài công việc, họ còn dành thời gian cho gia đình, chăm sóc nuôi dạy con cái... nên những thành quả các công trình nghiên cứu của họ rất đáng trân trọng.

Do cả điều kiện khách quan, thời gian trước đây, cơ hội học bổng đào tạo ở nước ngoài không nhiều như khoảng chục năm gần đây, nên cứ một bậc học, tôi phải mất 10 năm mới hoàn thành. Chính vì vậy, ở cương vị quản lý, phụ trách công tác khoa học – công nghệ và hợp tác quốc tế, tôi luôn chú trọng đến những giải pháp, chính sách thúc đẩy giảng viên nữ nghiên cứu khoa học” – cô Oanh chia sẻ.

PGS.TS Lê Thị Kim Oanh có nhiều đóng góp trong công tác hợp tác quốc tế của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng
PGS.TS Lê Thị Kim Oanh có nhiều đóng góp trong công tác hợp tác quốc tế của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng 

PGS.TS Lê Thị Kim Oanh có nhiều giải pháp trong việc đổi mới công tác giảng dạy, công tác quản lý; góp phần phát triển rất hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học và công tác quản lý các trung tâm nghiên cứu cho nhà trường. Với vai trò kết nối, cô Kim Oanh đã huy động tài trợ từ các doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy của giảng viên và sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Dành tình yêu cho khoa học

Đảm nhận nhiều vị trí công việc nhưng những công trình nghiên cứu khoa học của PGS.TS Lê Thị Kim Oanh vẫn nối tiếp nhau lần lượt ra đời chỉ bởi vì “nghiên cứu nhiều mới có kinh nghiệm cho việc giảng dạy và cũng là cách để một giảng viên – một nhà quản không bị tụt lại phía sau. Tri thức, công nghệ thì luôn thay đổi mà mình không tự nâng cao mình là đã lạc hậu rồi. Nếu SV tốt, đồng nghiệp giỏi mà mình không cập nhật thì không theo đuổi được nghề, càng không thể làm tốt công tác quản lý” – cô Oanh khẳng định.

Từ năm 1986 – 2007, cô Lê Thị Kim Oanh đảm nhận giảng dạy tại Bộ môn Kinh tế kỹ thuật, Khoa Xây dựng Thuỷ lợi - Thuỷ điện. Từ năm 2007 đến nay, PGS.TS Lê Thị Kim Oanh giảng dạy tại Khoa Quản lý Dự án. Tháng 5/2006 đến tháng 4/2012, bên cạnh việc giảng dạy,
Cô giữ chức vụ Phó Trưởng Phòng Khoa học, Sau Đại học & Hợp tác Quốc tế. Tháng 5/2012, với sự tín nhiệm cao của tập thể Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, Đảng ủy Trường Đại học Bách khoa cùng toàn thể CBVC, PGS.TS Lê Thị Kim Oanh được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng. 

PGS.TS Lê Thị Kim Oanh là tác giả của 3 công trình NCKH trong đó có 1 công trình cấp Bộ, 1 đề tài liên ngành quốc tế; 28 bài báo, báo cáo khoa học công bố trên Tạp chí nghiên cứu và Hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Chủ biên 1 sách chuyên khảo, 1 giáo trình phục vụ đào tạo đại học đã được nghiệm thu và xuất bản….

PGS.TS Lê Thị Kim Oanh cho rằng, những giải pháp mình đề xuất, xây dựng là công việc phải làm của một nhà quản lý, không có gì đáng để biểu dương cả, “vì ai ở vị trí công tác đó thì cũng sẽ làm như thế cả”. Ở vị trí công tác nào, đảm nhiệm công việc gì, cô Kim Oanh đều tâm niệm rằng phải làm tốt nhất trong khả năng có thể.

Chính vì vậy, khi nhắc đến NGƯ Lê Thị Kim Oanh, nhiều thế hệ SV của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đều nhớ đến một giảng viên luôn tâm huyết với nghề, gần gũi, hết lòng vì sinh viên. Cô không chỉ tận tình trong việc giải đáp những thắc mắc trong quá trình dạy học, luôn cập nhật và đổi mới phương pháp dạy hiệu quả nhất. Với đồng nghiệp, nữ Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng là người truyền lửa cho nhiều giảng viên trẻ về tinh thần say mê trong nghiên cứu, rắn rỏi trong quản lý, tận tụy trong giảng dạy và luôn thân thiện, gần gũi tôn trọng, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ mọi người.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, PGS.TS Lê Thị Kim Oanh đã nhận được nhiều bằng khen và phần thưởng cao quý.

Cô đã có 2 lần đạt danh hiệu thi đua Chiến sĩ thi đua cấp Bộ và 10 lần đạt danh hiệu thi đua Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 2 Bằng khen Bộ GD&ĐT; 1 Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam; 1 Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Gần đây nhất, năm 2021, Cô đã được phong tặng Danh hiệu NHÀ GIÁO ƯU TÚ theo Quyết định số 445/QĐ-CTN ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chủ tịch nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.