Thách thức với lao động nông thôn học nghề

GD&TĐ - Theo chuyên gia, mục tiêu Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn.

Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền còn chậm khắc phục. Ảnh minh họa
Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền còn chậm khắc phục. Ảnh minh họa

Kết quả chưa đúng với mong muốn

Theo báo cáo Kết quả thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” từ Bộ LĐ-TB&XH, đã có 10,4 triệu lao động nông thôn được học nghề. Các cấp trình độ, đạt 94,3% mục tiêu của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho người khuyết tật, người hết tuổi lao động còn nhiều khó khăn.

Theo chuyên gia, nhận thức của xã hội và người dân về học nghề gắn với việc làm để có thu nhập còn hạn chế, nhất là những năm đầu triển khai Đề án.

Công tác tuyên truyền, vận động chưa đi vào chiều sâu, hình thức chưa phong phú. Sự phối hợp thực hiện ở các ngành, đoàn thể, địa phương còn nhiều hạn chế, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, không đạt chỉ tiêu đề ra. Hiệu quả hoạt động dạy nghề từng lúc, từng nơi chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Việc đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế không đạt mục tiêu của Đề án.

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề chất lượng cao Hà Nội, cho rằng: Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, quá trình phân hóa nghề nghiệp đang diễn ra theo chiều hướng giảm thuần nông, tăng hộ kinh tế hỗn hợp để tiến tới phi nông hoàn toàn.

Do vậy, cơ cấu ngành nghề đào tạo của GDNN trong bối cảnh hiện nay cũng đặt ra vấn đề cần phải có những điều chỉnh cần thiết phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp của người học.

Thực tế cho thấy, nhu cầu đào tạo nghề được xác lập dựa trên căn cứ đặc thù phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền. Có những địa phương tập trung phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ cao và có những địa phương lại chú trọng vấn đề đào tạo các ngành nghề truyền thống.

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh cũng cho biết thêm, trung bình mỗi năm có khoảng trên 2 triệu người theo học các trình độ. Trên cơ sở thực trạng tuyển sinh và đào tạo nghề cho thấy, tỷ lệ cao đẳng và trung cấp chỉ chiếm khoảng trên 25%, còn lại là sơ cấp và các hình thức đào tạo thường xuyên khác. Sự mất cân đối về số lượng người học ở các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp sẽ là rào cản đối với chủ trương đào tạo nghề chất lượng cao.

Tính ổn định và chất lượng việc làm chưa cao

Thực tế, GDNN thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền còn chậm khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Tuyển sinh GDNN, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu còn thiếu.

Triển khai đào tạo nghề chất lượng cao như phát triển nghề trọng điểm, thí điểm đào tạo nghề cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài... còn chậm.

Chưa kể đến, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương chưa phân bố hợp lý giữa các vùng, miền, chưa quy hoạch tới từng ngành, nghề, cấp trình độ đào tạo.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, qua triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động sau học nghề đã biết tiếp cận và vận dụng kiến thức KHKT vào sản xuất kinh doanh. Điều này góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ. Nhiều lao động có tay nghề đã được nhận vào làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được những mô hình sản xuất hiệu quả, có năng suất và thu nhập cao. Đến nay, chất lượng lao động ở các vùng nông thôn ngày càng đa dạng, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, thực tế công tác đào tạo lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, nhất là trước đòi hỏi phát triển trong tình hình mới. Trong đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào lĩnh vực dạy nghề còn hạn chế, một số cơ sở đào tạo quan tâm tuyển sinh đầu vào nhưng chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường lao động cần tuyển dụng, dẫn đến chất lượng đào tạo hạn chế, một bộ phận lao động nông thôn chưa thực sự cố gắng vươn lên, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn...

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, dù tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề có việc làm cao, nhưng tính ổn định cũng như chất lượng việc làm chưa cao.

Phần lớn người lao động phải tự tìm công ăn việc làm cho mình, trong khi số lượng lao động được các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng chỉ chiếm 11,26%.

Đây là hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Hà Nội, khi đào tạo chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, cũng như nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo chuyên gia, để khắc phục những hạn chế trên, các địa phương cả nước cần đồng lòng thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đồng thời, hướng đến xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, liên thông.

Ngoài ra, cần có hệ thống chính sách hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có nhu cầu, gắn với phong trào xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo từ xa phù hợp.

Một giải pháp trọng tâm khác là cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng các hình thức đào tạo. Đặc biệt là hướng đến lao động nông thôn, người khuyết tật, người nội trợ và người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp để nâng cao kỹ năng nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ