Hấp dẫn nghề đầu bếp

GD&TĐ - Đầu bếp là một trong những nghề thuộc hệ thống ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn. Từ trước đến nay, đây là nghề được xem là cho thu nhập tốt và phát huy được những phẩm chất nghề nghiệp cá nhân. Tuy nhiên, để có được thành công, bên cạnh việc được đào tạo cơ bản, người lao động không nên vì thu nhập trước mắt, mà cần lựa chọn môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Học nghề bếp có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao
Học nghề bếp có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao

Từ thời bao cấp đến thị trường rộng mở

Nghề đầu bếp đang thịnh hành và có thu nhập tốt nhưng thực tế cho thấy, nhiều người trở thành đầu bếp bắt đầu từ tự học hỏi và đúc kết kinh nghiệm cá nhân mà không qua trường lớp đào tạo. Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Hà Nội cho biết: Đây là một tình trạng mà cơ sở đào tạo đang gặp phải. Có những học sinh, sinh viên sau khi học xong, đi thực tập tại các doanh nghiệp thấy có thể chế biến được một số món ăn đơn giản như: Bún, phở, trứng… thì cho rằng đã có thể ra nghề mà không cần học tiếp. Nhưng xét về dài hạn thì vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất lớn, vì nếu được đào tạo đầy đủ thì điều kiện phát triển nghề nghiệp sẽ tốt hơn rất nhiều so với trường hợp học từ kinh nghiệm cá nhân, truyền đạt trực tiếp ngay tại bếp, nhà hàng.

Ngày nay, nhận thức về nghề nghiệp của xã hội đã có nhiều thay đổi, không có nghề nào tuyệt đối sướng hay tuyệt đối khổ. Nghề nào cũng có những ưu, nhược điểm. Vấn đề là phải nhìn nhận xem có thích nghề đó không, thấy được ở nghề có những hạn chế gì, có thể khắc phục được không và những lợi thế nào có thể phát huy. Đối với nghề đầu bếp, thu nhập sẽ tăng dần theo kinh nghiệm và sự đóng góp của người lao động trong quá trình làm việc.

Từng là một đầu bếp, ông Trịnh Cao Khải chia sẻ, trước đây, ông đã được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ chế biến món ăn. Thời gian làm tại khách sạn rất có giá trị, bởi quá trình làm việc được tiếp xúc thực tế và liên hệ với những kiến thức cơ bản đã được học. Nền tảng đó không những giúp cho cá nhân phát triển được kỹ năng chuyên môn mà còn tiếp tục được phát huy ở những lĩnh vực khác.

Trước đây, sinh viên học Trường ĐH Thương nghiệp, Khoa Ăn uống công cộng, sau khi tốt nghiệp sẽ vào làm việc tại hệ thống các cửa hàng ăn uống quốc doanh. Khi thời điểm hệ thống này thay đổi theo hướng kinh tế thị trường đã mở ra cơ hội cho sinh viên ngành có thể chuyển đổi sang làm việc ở những môi trường khác. Thời bao cấp, học sinh cũng rất khó có được sự chủ động trong việc lựa chọn con đường nghề nghiệp, nhưng dù ở bất kỳ thời điểm nào thì cũng đều cần phải học được một nghề.

Lựa chọn môi trường chuyên nghiệp

Được đào tạo cơ bản, đầu bếp có nhiều cơ hội phát huy những phẩm chất nghề nghiệp cá nhân
Được đào tạo cơ bản, đầu bếp có nhiều cơ hội phát huy những phẩm chất nghề nghiệp cá nhân 

Về đào tạo, học nghề đầu bếp, ông Khải cho biết: Các em học sinh được trang bị những kỹ năng cơ bản, nhà trường đồng thời liên hệ với các khách sạn từ 3 - 5 sao, tạo điều kiện cho học sinh đến thực tập, giúp các em thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp, có đầy đủ trang thiết bị, bảo đảm các điều kiện vệ sinh để chế biến được những món ăn đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Từ kỳ học thứ 5, học sinh đã có thể làm việc đầu bếp như một nhân viên tại doanh nghiệp, khách sạn. Tuy nhiên, nhà trường cũng thường tư vấn cho các em, không nên quá vì thu nhập mà bỏ qua cơ hội việc làm ở những vị trí việc làm dù thu nhập còn khiêm tốn nhưng có nền tảng tốt, là những nơi có đủ điều kiện để làm việc và học tiếp lên cao.

Đúc kết về các nghề trong ngành du lịch nói chung, ông Khải cho rằng: Phục vụ chính là ưu điểm của ngành, bởi khi đó người lao động thường xuyên có sự tương tác, giao tiếp trực tiếp với khách hàng. Được đào tạo những kỹ năng này, người lao động có thể dễ dàng thích nghi với nhiều môi trường làm việc khác nhau. Đối với người lao động ngành du lịch, khi chuyển đổi sang lĩnh vực nghề nghiệp khác đều có nhiều cơ hội để thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ