Để người trẻ trụ vững với nghề đầu bếp

GD&TĐ - Nghề đầu bếp hiện nay được đánh giá là có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập khá. Tại các trường đào tạo nghề liên quan đến du lịch - dịch vụ, số lượng học viên đăng ký theo học nghề đầu bếp luôn cao do sự hấp dẫn của đầu ra. Thế nhưng, không hào nhoáng như phim ảnh, những ai đã thực sự bước chân vào nghề đầu bếp mới thấm thía rất nhiều thử thách.

Đứng làm việc trong thời gian dài là một yêu cầu của nghề đầu bếp
Đứng làm việc trong thời gian dài là một yêu cầu của nghề đầu bếp

Tăng dần áp lực

Anh Nguyễn Văn Lộc - Giám đốc khu vực miền Trung của Hướng nghiệp Á - Âu (Đà Nẵng) cho biết: Bài học đầu tiên mà các học viên đầu bếp của trung tâm được dạy là về những áp lực của nghề. Không “hào nhoáng” như trên phim với hình ảnh người đầu bếp mặc đồ trắng tinh, tung chảo dầu trên ngọn lửa điệu nghệ như một diễn viên xiếc, mà phải chịu rất nhiều áp lực cả về thời gian, điều kiện, môi trường làm việc.

“Mỗi học viên đều phải xác định rằng, nghề đầu bếp thường bắt đầu công việc từ vị trí phụ bếp. Đầu bếp nào cũng phải trải qua các công việc như sơ chế thực phẩm, cắt, tỉa củ quả nhuần nhuyễn rồi mới đến sơ chế cá, thịt, thuần thục các món nướng, rồi mới xào, nấu… Và có khi những việc lặt vặt này kéo dài hàng năm liền chứ không chỉ là vài tháng. Điều kiện làm việc cũng là một thử thách khi luôn làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, rồi thời gian hoàn thành món ăn và thường là phải đứng cho hết ca làm việc” - anh Lộc cho biết.

Những áp lực này, học viên của Trung tâm Hướng nghiệp Á - Âu đều trải qua trong quá trình học tập như buộc phải đứng khi thực hành cắt, tỉa; hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian nhất định như trong một tiếng đồng hồ, một nhóm 3 học viên phải tự lên set menu với 3 món ăn. Các áp lực này sẽ tăng dần lên để khi ra trường, học viên có thể thích ứng nhanh với điều kiện làm việc thực tế.

Anh Trần Văn Thống - Chủ nhiệm CLB Bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng thì cho rằng, đòi hỏi đầu tiên của nghề làm đầu bếp là phải đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm và yếu tố dinh dưỡng vì đây là nghề liên quan đến sức khỏe của cộng đồng.

Theo anh Thống thì: “Học viên sơ cấp, trung cấp ra trường phải biết nhận mặt thực phẩm, cách thức sơ chế, bảo quản thực phẩm. Chỉ đơn cử như với cá mú mà anh không biết cách làm, bị đâm vào tay thì chỉ có nước đi nhập viện điều trị. Rồi phải nắm được cách xắt, thái của từng món, cách vận hành bếp, lò nướng… cũng là một kỹ năng cần phải học.

Hiện nay các resort, khách sạn cao cấp đều trang bị hệ thống lò vừa hấp, vừa nướng nếu không thuần thục rất dễ xảy ra sự cố. Như với lò nấu nhanh, lượng ga thổi rất lớn, chỉ cần chậm một chút thì thủng luôn cả chảo gang”.

Học viên thực hành bếp nóng với sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Văn Lộc
  • Học viên thực hành bếp nóng với sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Văn Lộc

Cần có “vốn liếng” riêng

Các nhà làm du lịch đang hướng đến mục tiêu du lịch gắn với ẩm thực để thu hút khách và đầu bếp có tay nghề cao luôn trong tình trạng cung không đủ cầu khi hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát phát triển không ngừng theo sự phát triển của ngành du lịch.

Nghề đầu bếp đang là một trong những lựa chọn lập nghiệp của người trẻ với ưu thế thời gian học nghề ngắn, nhiều cơ hội việc làm. Tỷ lệ tăng học viên trong vòng 3 năm nay của Trung tâm Hướng nghiệp Á - Âu tại Đà Nẵng lên đến 60% và độ tuổi học viên phổ biến là 17 - 18 tuổi.

Anh Nguyễn Văn Lộc cho biết, ngoài đam mê thì yếu tố thể hình cũng là một đòi hỏi với nghề đầu bếp. Nếu không có sức khỏe thì khó có thể chịu được áp lực làm việc lớn trong nhiều giờ đồng hồ, thời gian làm việc thường là khá oái ăm như bắt đầu từ sáng sớm.

Anh Lộc cũng nhấn mạnh rằng, những ai theo nghề đầu bếp đều phải có sự sáng tạo chứ không đơn thuần chỉ là nấu ăn. “Trong mỗi món ăn, bạn phải bỏ chút “vốn liếng” của mình vào đó, có thể là kinh nghiệm xử lý món ăn, là tư duy của người đầu bếp để tạo ra hương vị riêng hay cách trình bày đẹp mắt”, anh Lộc chia sẻ.

Anh Trần Văn Thống thì cho rằng, đối với các khách sạn lớn và các resort thì đã có sự chuyên nghiệp khi phân chia vị trí công việc bếp nóng, bếp nguội, thớt sống, thớt chín… khối lượng công việc của mỗi vị trí bếp vì vậy không quá lớn nhưng đòi hỏi các đầu bếp phải có khả năng bao quát dù chỉ làm một mảng.

Đầu bếp trẻ Trần Xuân Tùng, đoạt giải Nhì vòng sơ kết cuộc thi Chiếc thìa vàng 2016 tại Đà Nẵng chia sẻ: “Muốn theo nghề đầu bếp lâu dài thì phải học hỏi mọi lúc mọi nơi, phải có thái độ cầu tiến chứ khi được giao rửa chén mà chỉ biết chăm chú mỗi việc rửa chén, bếp trưởng giao gì mà chỉ biết làm đúng việc đó, không quan sát, không học hỏi thì mãi cũng không có được vị trí cao hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.