Tăng sức hấp dẫn các môn Lý luận chính trị: Quyết định ở người dạy

GD&TĐ - Nhiều thế hệ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã truyền được cảm hứng, động lực học tập cho sinh viên, bởi khắc phục được nguyên nhân gây nên sự thiếu hấp dẫn của các môn học này.

PGS.TS Phạm Việt Thắng.
PGS.TS Phạm Việt Thắng.

PGS.TS Phạm Việt Thắng, Trưởng khoa Lý luận Chính trị - Giáo dục công dân, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao đổi về nội dung trên.

- Theo PGS, việc giảng dạy các môn Lý luận chính trị hiện nay có vai trò như thế nào trong công tác giáo dục sinh viên sư phạm, trong đó có sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội?

+Việc giảng dạy các môn Lý luận chính trị có vai trò quan trọng, vì phần lớn sinh viên sư phạm sau khi ra trường sẽ trở thành thầy cô giáo ở các nhà trường, các cơ sở giáo dục. Tư tưởng chính trị, thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan của họ sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ người học sau này.

Có thể nói cụ thể về vai trò quan trọng của việc giảng dạy các môn Lý luận chính trị như sau:

Thứ nhất, góp phần hình thành, bồi dưỡng cho sinh viên thế giới quan duy vật biện chứng, phương pháp luận biện chứng duy vật, khoa học, nhân sinh quan, giá trị quan xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa.

Thứ hai, góp phần xây dựng, bồi dưỡng, củng cố cho sinh viên niềm tin vào lý tưởng của Đảng và Nhà nước, vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước hiện nay.

Thứ ba, góp phần định hướng cho sinh viên suy nghĩ, hành động đúng đắn trong học tập, rèn luyện.

- Với vai trò quan trọng như vậy, nhưng dường như với sinh viên, đây là môn học thiếu hấp dẫn, khô cứng, thậm chí sinh viên chưa nhận thức rõ được vai trò của môn học. Nên nhìn nhận thực trạng này như thế nào, thưa PGS?

+Trước hết, chúng ta cũng nên nhìn nhận một thực tế là, phần lớn sinh viên hiện nay chỉ chú trọng vào chuyên ngành của mình. Điều này cũng là hết sức bình thường. Do đó, không chỉ những môn Lý luận chính trị, mà nhiều môn chung không thuộc chuyên ngành cũng ở trong thực trạng tương tự.

Hai là, môn học nào cũng có thể trở nên khô khan, thiếu hấp dẫn, chứ không chỉ riêng các môn Lý luận chính trị, nếu như người dạy không có kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm vững vàng; không có hiểu biết sâu sắc về nội dung môn học; cũng như phông nền kiến thức đủ rộng để có thể gắn lý luận với thực tiễn sinh động; không hiểu tâm lý sinh viên, đặt mình vào vị trí của sinh viên để truyền cảm hứng và tạo động lực học tập, sáng tạo cho họ.

Trên thực tế, cũng có nhiều thế hệ giảng viên giảng dạy các môn Lý luận chính trị ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã truyền được cảm hứng và động lực học tập những môn học này cho sinh viên, bởi vì họ đã khắc phục được những nguyên nhân gây nên sự thiếu hấp dẫn của các môn học này.

- Vậy cần làm gì để tăng sức hấp dẫn của các môn Lý luận chính trị với sinh viên? PGS có thể chia sẻ kinh nghiệm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong vấn đề này, trong đó có việc đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy môn học?

Từ sự thành công của nhiều giảng viên giảng dạy các môn Lý luận chính trị mà tôi biết, cũng như từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng, để làm tăng sức hấp dẫn của các môn Lý luận chính trị với sinh viên, người dạy nên chú ý mấy điểm sau:

Thứ nhất, cần xác định đúng mục tiêu bài học (gắn với mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học).

Thứ hai, cần hiểu được người học, như về mặt tâm lý, nhu cầu, điều kiện học tập, chuyên ngành học…

Thứ ba, đầu tư phù hợp cho việc thiết kế từng bài học, tiêt học theo hướng gắn tri thức lý luận của môn học với thực tiễn cuộc sống sinh động và với chuyên ngành học của sinh viên, xây dựng các hoạt động học tập theo hướng tích cực hóa vai trò của người học.

Ngoài những liên hệ thực tiễn mang tính phổ biến, thì những liên hệ thực tiễn mà phù hợp với chuyên ngành học của sinh viên sẽ dễ tạo nên sức hấp dẫn hơn. Rõ ràng khi dạy cho sinh viên ngành khoa học tự nhiên sẽ có những liên hệ thực tiễn khác với sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng khả năng tự học, tự nghiên cứu, thể hiện tư duy phản biện… của sinh viên. Giao các nhiệm vụ học tập, trong đó tạo cơ hội để sinh viên sáng tạo, trải nghiệm, được khám phá và thể hiện khả năng của bản thân.

Thứ tư, sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học, hình thức giao nhiệm vụ học tập (như: nghiên cứu tài liệu, khảo sát thức tiễn, dự án,…).

Thứ năm, kết hợp nhiều hình thức đánh giá kết quả học tập của sinh viên, trong đó chú trọng đến quá trình sinh viên tham gia vào các hoạt động học tập.

- Xin cảm ơn PGS!

Chương trình các môn Lý luận chính trị trong các chương trình đào tạo của ngành không chuyên về Lý luận chính trị sẽ bao gồm 5 môn, 11 tín chỉ: Triết học Mác – Lênin: 3 tín chỉ; Kinh tế chính trị Mác – Lênin: 2 tín chỉ; Chủ nghĩa xã hội khoa học: 2 tín chỉ; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: 2 tín chỉ; Tư tưởng Hồ Chí Minh: 2 tín chỉ.
Chương trình các môn Lý luận chính trị trong các chương trình đào tạo của ngành chuyên về Lý luận chính trị  cũng bao gồm 5 môn, 14 tín chỉ, với giáo trình riêng, cụ thể: Triết học Mác – Lênin: 4 tín chỉ; Kinh tế chính trị Mác – Lênin: 3 tín chỉ; Chủ nghĩa xã hội khoa học: 2 tín chỉ; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: 3 tín chỉ; Tư tưởng Hồ Chí Minh: 2 tín chỉ.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ