Đề cao trách nhiệm của thầy cô
Vấn đề đặt ra cho các nhà trường là làm thế nào để ngăn những sự việc như vậy xảy ra. Thực tế cho thấy, khi công nghệ thâm nhập vào đời sống xã hội, với những ảnh hưởng to lớn của internet và mạng xã hội, hiệu quả tích cực rất nhiều, nhưng cũng có những mặt trái. Như việc học sinh sử dụng mạng xã hội để giao lưu, kết bạn, yêu người không quen biết, bị gạ gẫm chụp ảnh nóng và đăng lên facebook dẫn đến việc các em hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng đến tâm lý, danh dự, nhân phẩm, việc học tập của các em, các em không dám đến trường và có những suy nghĩ tiêu cực...
Thầy Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý, huyện Hải Hậu (Nam Định) cho biết: Thực trạng trên dẫn đến việc cần thiết phải tăng cường phối hợp giữa các ngành, phát động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia đấu tranh làm trong sạch không gian mạng...
Như ở Trường THCS Hải Lý, vai trò của giáo viên chúng tôi lại càng quan trọng hơn khi học sinh ở độ tuổi 12-15, cái tuổi muốn khám phá cái mới mẻ, tò mò và hiếu động. Vậy nên, việc định hướng, trang bị cho các em về kiến thức phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng là việc làm rất cần thiết.
Khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, phải thực hiện cách ly toàn xã hội nên các em không thể tới trường, việc học online được triển khai, thầy trò đối diện với rất nhiều khó khăn và thử thách, đó là lỗ hổng bảo mật qua phần mềm học trực tuyến Zoom. Có những em lạm dụng sự tin tưởng của phụ huynh để mượn điện thoại bố mẹ chơi game, đua đòi theo trào lưu các trò chơi có hại trên mạng. Điều này dẫn đến một số học sinh ý thức kém đã chia sẻ mật khẩu, để những người xấu đã truy cập chia sẻ lên những hình ảnh, video thiếu văn hóa... Vậy làm thế nào để hạn chế những tác động tiêu cực này, để không gian mạng trở nên hữu ích cho việc học của các em.
Làm chủ không gian mạng
Thầy giáo Nguyễn Hải Sơn chia sẻ: Với quan điểm từng giáo viên phải đi sâu, đi sát quản lý học sinh không chỉ trên lớp mà cả tìm hiểu việc làm của các em trên không gian mạng. Giáo viên đã đã luôn thay đổi mật khẩu và chỉ thông báo mật khẩu khi lớp học bắt đầu. Cùng với đó ban giám hiệu kết với công an xã, đoàn thanh niên xã, hội phụ nữ, hội cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm, công đoàn... xuống tận nhà gặp gỡ phụ huynh học sinh để tư vấn, có những trao đổi giúp các em ý thức làm chủ hơn khi sử dụng mạng xã hội. Vấn đề là khi chúng ta giúp học sinh có ý thức, các em sẽ tự biết để tránh xa cái xấu.
Cùng trò trên không gian mạng là một trong những cách làm được các thầy cô giáo Trường THCS Hải Sơn thực hiện hiệu quả. Cùng online chia sẻ thông tin với học sinh, trường cũng lập đường dây nóng, trang thông tin chính thức để các em thông báo khi có hiện tượng không chuẩn mực với đạo đức xã hội, loại bỏ đưa những tin không đúng với sự thật, không chia sẻ những bài viết xuyên tạc, vu khống...
Ngoài ra nhà trường còn lồng ghép vào những bộ môn tin học, công nghệ, giáo dục công dân giúp các em học sinh hiểu hơn về an ninh mạng biết cách phòng chống những hành vi, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Tuy nhiên cũng còn nhiều việc cần làm để mạng xã hội phát huy tốt yếu tố tích cực; Nhà giáo Nguyễn Hải Sơn cho rằng: Cần sớm đưa giáo dục an ninh mạng vào chương trình dạy học trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác; đảm bảo phù hợp với ngành học và cấp học. Cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức sử dụng thông tin lành mạnh trên Internet cho đội ngũ giáo viên, học sinh.
Triển khai các biện pháp cảnh báo, giám sát học sinh để tránh khỏi các tác động tiêu cực của nội dung thông tin, ứng dụng có hại trên Internet. Đặc biệt cần kết hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục: Nhà trường – gia đình – xã hội trong phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật trên mạng Internet đối với học sinh.