Bộ GD&ĐT quan tâm nhiều hơn nữa đến giáo dục đạo đức; tăng thời lượng dạy môn Giáo dục công dân, đưa vào bài học những tấm gương về đạo đức, câu chuyện người tốt việc tốt góp phần tác động tích cực đến suy nghĩ, hành động của HS.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT thực hiện nhiều hoạt động trong việc đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV, cụ thể:
Tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục năm 2019 quy định cụ thể nội dung xây dựng môi trường giáo dục an toàn và mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện: Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”; Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025; Chỉ thị về “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, HS, gia đình HS và cộng đồng về giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV; phòng, chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường.
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, trong đó chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách HS được thực hiện thông qua các môn học, hoạt động giáo dục. Môn Đạo đức ở tiểu học, Giáo dục công dân ở trung học trong Chương trình GDPT mới được tăng cường cả nội dung, thời lượng. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện thông qua hoạt động dạy học các môn học trong chương trình GDPT hiện hành và hoạt động giáo dục; qua chương trình lồng ghép, tích hợp trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục; qua vai trò nêu gương của cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè và những tấm gương về đạo đức được rút ra từ sách vở, lịch sử, cuộc sống, giáo dục đạo đức, lối sống qua di sản văn hóa…
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai việc tích hợp giảng dạy nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào nhà trường ở các cấp học, từ mầm non, GDPT đến các trường đào tạo; giáo viên tổ chức giảng dạy theo hướng tích hợp nội dung phù hợp với HS từng cấp học. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn và đưa vào triển khai giảng dạy bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức lối sống” dành cho HS từ lớp 2 - 12, sử dụng từ năm học 2016 - 2017, qua đó giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua bài học, mẩu chuyện về cuộc đời của Bác là những nội dung gần gũi, được HSSV dễ tiếp nhận, tạo nên sự gắn bó nội dung học tập với thực tiễn cuộc sống.
Tổ chức khen thưởng kịp thời những tấm gương HSSV tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, xả thân cứu bạn bị đuối nước, khi gặp nạn, tinh thần vì cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường góp phần lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo địa phương, các cơ sở giáo dục trong việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV.