Giáo dục đạo đức, lối sống cho HS: Chạm đến trái tim để mở cửa trái tim

GD&TĐ - Giáo dục đạo đức, lối sống cho HS sẽ góp phần hạn chế bạo lực học đường, lan tỏa tình yêu thương và hành động đẹp.

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn chú trọng xây dựng văn hóa học đường.	Ảnh: TG
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn chú trọng xây dựng văn hóa học đường. Ảnh: TG

Từ thực tế hoạt động, mỗi nhà trường, thầy cô giáo sẽ có giải pháp linh hoạt, phù hợp dạy đạo đức cho các em, với mục tiêu  mở được cánh cửa trái tim để khơi dậy những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi con người.

Mưa dầm thấm lâu

Nhiều năm công tác và làm giáo viên chủ nhiệm tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) - ngôi trường không tuyển chọn đầu vào, cô  Nguyễn Lương Thiện cho biết: Để giáo dục đạo đức HS, trước hết GV chủ nhiệm phải đầu tư thời gian để tìm hiểu vì mỗi em có một hoàn cảnh, cá tính, suy nghĩ khác nhau. GV không thể giáo dục HS theo một cách mà phải vận dụng nhiều phương pháp khác nhau cho phù hợp. 

Để giáo dục đạo đức cho HS, cô Thiện luôn hướng các em đến 5 chữ “tự”: Tự tin, tự trọng, tự học, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cô cũng luôn tự nhủ phải làm sao để gieo niềm tin cho các em có thể làm được hoặc sẽ làm được. “Chỉ khi học trò có niềm tin vào chính mình, tin vào thầy cô mới có động cơ để thay đổi. Và một điều hết sức quan trọng là GV phải kiên trì và nhẫn nại, bởi chẳng ai có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Người trưởng thành hay giới trẻ, quá trình thay đổi phải có thời gian, đi từ nhận thức đúng rồi đến điều chỉnh hành vi đúng, rèn luyện nó để trở thành một thói quen. Cho nên không thể mong đợi một HS có thể rũ bỏ sạch lỗi trong một thời gian ngắn, phải từ từ như mưa dầm thấm lâu”, cô Thiện bày tỏ.

Là giáo viên dạy Văn - cô Lưu Thị Thu Hà, Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã sáng tạo để chuyển tải những nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho HS thông qua các giờ học. Theo cô Hà, so với các môn khoa học xã hội khác, môn Văn không dạy đạo đức, lối sống một cách trừu tượng, khô khan mà qua những hình tượng văn học giàu hình ảnh, cảm xúc. Tính giáo dục của môn Văn đi qua trái tim cho nên có tác dụng rất lớn. Nó làm phong phú tâm hồn, thay đổi suy nghĩ một cách tự nhiên, không miễn cưỡng, không ép buộc. 

Lấy mục tiêu chạm đến trái tim học trò làm đích đến, cô Thu Hà đã chuyển tải nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho HS theo nhiều cấp độ và hình thức khác nhau: Lồng ghép uyển chuyển qua các tiết học đọc hiểu văn bản hay qua việc chọn lọc, sử dụng ngữ liệu và qua việc nêu các vấn đề phù hợp với tâm lý lứa tuổi, được HS quan tâm trong các tiết học làm văn. Với tinh thần giảm áp lực, tăng hứng thú cho HS, cô Hà đã ấp ủ thực hiện một số dự án như “Chuyện kể lớp mình” có những thành công đáng khích lệ. Dự án đã khuyến khích HS trong lớp kể cho nhau nghe những điều mình quan tâm, trăn trở, xúc động. Nhờ thế, HS cả lớp đều có ý thức cập nhật, nắm bắt các vấn đề trong cuộc sống…

Xây dựng  văn hóa học đường

Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho HS. Ảnh minh họa
Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho HS.   Ảnh minh họa

Là cán bộ quản lý có nhiều năm kinh nghiệm, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: GV không thể chú trọng dạy người nếu như hiệu trưởng không quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Cũng như thế, giáo dục đạo đức cho HS cần phải bắt đầu từ đạo đức văn hóa nhà giáo của hiệu trưởng. Từ mục tiêu dạy người của cả tập thể nhà trường mà hiệu trưởng phải biết, hiểu và chỉ ra đâu là những vấn đề cốt lõi cần giáo dục đạo đức, lối sống cho HS của trường mình ở từng giai đoạn,  thời kỳ. Từ đó, hiệu trưởng truyền tải những vấn đề cốt lõi đó tới cán bộ, GV, nhân viên, HS trong trường và lực lượng ngoài nhà trường để cùng tìm biện pháp, tổ chức các hoạt động giáo dục để đạt mục tiêu.

Thực tế giáo dục đạo đức, lối sống cho HS chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay. Liên quan đến vấn đề đạo đức của HS, xã hội nghĩ ngay đó là trách nhiệm của nhà trường mà chưa chú ý đến vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình cũng như các lực lượng giáo dục khác. Vì vậy, theo cô Nhiếp, với phụ huynh, hiệu trưởng cần nắm được phương pháp và nội dung giáo dục trong gia đình, nắm được tri thức về chính sách giáo dục thông qua việc trực tiếp chia sẻ và cung cấp thông tin, mời phụ huynh cùng tổ chức và tham dự các chuyên đề về đạo đức lối sống cho HS.

Cũng nhờ kiên trì giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị và kỹ năng sống, coi trọng mục tiêu giáo dục vì sự phát triển của con người mà Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), từ một trường tư thục có đầu vào HS “dưới chuẩn” nay trở thành trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao của Hà Nội. Ngôi trường được phụ huynh và HS gọi là trường học hạnh phúc. 

Theo thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, giáo dục đạo đức HS của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là giáo dục ước mơ, lối sống, ý chí lập thân lập nghiệp ngay từ khi còn học ở trường phổ thông. Nhà trường dạy đạo đức không chỉ ở các bộ môn khoa học mà còn thông qua những hoạt động tập thể, các hoạt động trải nghiệm, xã hội thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa để HS cảm nhận được khó khăn của người khác, biết yêu thương chia sẻ, ý thức được tuổi trẻ cần đóng góp gì cho xã hội và sự phát triển chung của cộng đồng để sống văn minh, hạnh phúc hơn. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng xây dựng văn hóa học đường, đưa tâm lý học vào trong nhà trường, vì tâm lý học là cơ sở của mọi hoạt động
giáo dục.

 “Xây dựng văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm chúng tôi đã làm từ nhiều năm nay và đó là nét khác biệt. Trường học thân thiện, thầy cô thân thiện, HS thân thiện. Thầy cô thay đổi, HS thay đổi, cha mẹ HS thay đổi… Khi tạo ra được bầu không khí hạnh phúc, hàng ngày HS vui vẻ, hết mình phấn đấu rèn luyện để trở thành con người tốt” – thầy Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ