Nhìn nhận đúng vai trò nghiên cứu khoa học của trường đại học

GD&TĐ - Sứ mệnh của một trường đại học cũng như một giảng viên đại học là: Sáng tạo tri thức (tức nghiên cứu khoa học; truyền bá tri thức (giảng dạy, đào tạo) và phục vụ cộng đồng, xã hội (tức tư vấn, phản biện,…).

Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng chế tạo dung dịch rửa tay làm sạch và kháng khuẩn nhanh. Ảnh: ued.udn.vn
Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng chế tạo dung dịch rửa tay làm sạch và kháng khuẩn nhanh. Ảnh: ued.udn.vn

Còn thiếu sự gắn kết

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, cả nước ta hiện nay có hàng trăm trường đại học, hàng vạn giảng viên đại học - lực lượng tham gia trực tiếp nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Trong gần một thập niên qua, cùng với việc xếp hạng đại học, đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học, các trường đã có nhiều chính sách đột phá, dẫn đến đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều, số lượng đề tài thực hiện, số lượng bài báo công bố ngày càng nhiều.

Mặt khác, với chính sách của quỹ Nafosted, Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên đối với các đề tài nghiên cứu có công bố quốc tế trên các tạp chí WoS, Scopus, nên khuyến khích nhiều nhà khoa học trẻ tham gia và hợp tác quốc tế ngày càng sâu. Đấy là những tín hiệu tích cực đối với đội ngũ khoa học Việt Nam cũng như nâng cao năng lực của các trường đại học.

Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định “Cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải bằng và dựa vào khoa học và công nghệ”.  

Thế nhưng, PGS.TS Võ Văn Minh cũng cho rằng, trong thực tế hiện nay, mặt bằng chung của giảng viên và các trường đại học cũng còn chênh lệch nhiều.

Bên cạnh đó cũng còn có một số vấn đề tiểu cực nảy sinh. Tình trạng vi phạm liêm chính khoa học đã diễn ra ở một số nơi. Một số trường và giảng viên ở những vùng khó, không bắt kịp xu thế, không tiếp cận được nguồn kinh phí nghiên cứu… nên tụt lùi dần, dẫn đến chất lượng đội ngũ cũng như giảng dạy bị ảnh hưởng, tạo nên sự chênh lệch ngày càng lớn.

Song, có lẽ bất cập lớn nhất đối với công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay vẫn là sự thiếu gắn kết. Khi bàn đến nghiên cứu khoa học, thông thường chúng ta hay nghĩ đến kinh phí, đãi ngộ, thu hút… Khi nói đến mức độ đóng góp cho nền kinh tế, thường đề cập đến hiệu quả đầu tư... Tuy nhiên, để xây dựng chiến lược phát triển cùng với cơ chế, chính sách vĩ mô cần minh định sứ mệnh của giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ đối với sự phát triển đất nước.

"Chưa bàn đến việc Đảng và Nhà nước đã có chính sách đầu tư khuyến khích, hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ xứng tầm là “quốc sách hàng đầu”, chúng ta cũng cần bàn ở khía cạnh khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo đã thực hiện đúng sứ mệnh chưa?”. Đặt câu hỏi này, PGS.TS Võ Văn Minh nhấn mạnh: Sứ mệnh của một trường đại học cũng như một giảng viên đại học là: Sáng tạo tri thức (tức nghiên cứu khoa học; truyền bá tri thức (tức giảng dạy, đào tạo) và phục vụ cộng đồng, xã hội (tức tư vấn, phản biện,…).

Thế nhưng, trong thực tế nhiều khi cả 3 nhiệm vụ tách rời nhau. Cũng xuất phát từ xếp hạng, nên để đi nhanh nên người ta lựa chọn đầu tư sâu theo từng lĩnh vực. Và như vậy, kết quả nghiên cứu, công bố khoa học của trường rất cao; giảng dạy cũng nhiều và các hoạt động được gọi là phục vụ cộng đồng cũng lớn. Nhưng mỗi giảng viên thực hiện một nhiệm vụ. Từ đó mức độ đóng góp vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không nhiều; chất lượng phục vụ cộng đồng, phục vụ cho sự nghiệp phát triển chung không lớn.

PGS.TS Võ Văn Minh.
PGS.TS Võ Văn Minh.

Những nhiệm vụ quan trọng cần làm

Để bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước và để cho khoa học và công nghệ thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”, PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, trước hết cần phải quy hoạch và quản lý thực hiện đúng quy hoạch mạng lưới các trường đại học trong cả nước, phù hợp về không gian lãnh thổ để phân bổ nguồn lực hợp lý.

Thứ hai là xác định đúng thực trạng của từng lĩnh vực khoa học & công nghệ để có những chính sách ưu tiên hợp lý.

Thứ ba, phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa 3 nhiệm vụ (nghiên cứu khoa học, giảng dạy và phục vụ cộng đồng) ở từng giảng viên đại học như từng viên gạch chắt xây nên một trường đại học mạnh.

Thứ tư là đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các Lab trọng điểm theo mô hình quản trị tiên tiến nhằm dẫn dắt sự phát triển.

Cuối cùng, cần có cơ chế giám sát minh bạch tất cả mọi thứ liên quan, để môi trường hoạt động khoa học thực sự lành mạnh.

“Song, cũng cần phải nói thêm rằng, thực tế cho thấy còn rất nhiều góc nhìn khác nhau về khoa học và công nghệ, về giáo dục và đào tạo, về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…. Nên nếu không tiếp cận hệ thống, không kiên định mục tiêu, kiên trì thực hiện và kiên quyết đổi mới thì mọi chính sách cũng loanh quanh và mạnh ai nấy làm. Chúng ta không thể tới ngay đích, nhưng để tới đích sẵn sàng khởi hành ngay từ bây giờ” - PGS.TS Võ Văn Minh nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ