Giảng viên nghiên cứu khoa học để giữ và truyền lửa

GD&TĐ - 15 năm học tập, nghiên cứu và giảng dạy tại Nhật Bản, TS Nguyễn Minh Hải - Giảng viên Khoa Xây dựng Cầu đường, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vẫn luôn tìm kiếm “thời điểm thích hợp” để về Việt Nam làm việc.

TS. Nguyễn Minh Hải hướng dẫn sinh viên Nhật Bản và Việt Nam trong chương trình hợp tác quốc tế giữa Đại học Utsunomiya – Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng năm 2017
TS. Nguyễn Minh Hải hướng dẫn sinh viên Nhật Bản và Việt Nam trong chương trình hợp tác quốc tế giữa Đại học Utsunomiya – Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng năm 2017

Ra đi là để trở về

TS Nguyễn Minh Hải trở thành giảng viên tại Khoa Xây dựng Cầu đường, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng từ tháng 4/2021.

Trước đó, TS Nguyễn Minh Hải đã có 10 năm học tập, nghiên cứu và hơn 5 năm làm việc với vai trò giáo sư trợ lý (Assistant Professor) tại Trường Đại học Quốc lập Utsunomiya Nhật Bản. “Sau quãng thời gian đó, tôi có đầy đủ điều kiện để xây dựng một cuộc sống lâu dài tại Nhật Bản. Chẳng hạn như có một công việc tốt thuộc biên chế chính thức tại một trường đại học quốc lập, nghĩa là không phải công việc theo dạng hợp đồng có quy định số năm, điều kiện làm việc lý tưởng và môi trường sống tốt. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ ngừng tìm kiếm “thời điểm thích hợp” để về Việt Nam làm việc vì tôi nghĩ đơn giản quê hương là nơi mà mình cần và nơi đó cần mình” – TS Hải chia sẻ.

“Thời điểm thích hợp”, theo TS Nguyễn Minh Hải, không phải là chờ đến khi điều kiện làm việc tại Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí của bản thân mình. Mà ngược lại là khi năng lực của bản thân mình cảm thấy đủ để đáp ứng được điều kiện làm việc tại Việt Nam.

Trong quá trình tìm kiếm đó, TS Nguyễn Minh Hải có tham gia tổ chức một số chương trình hợp tác giao lưu quốc tế giữa Trường Đại học Utsunomiya và Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng từ năm 2016. “Tôi có cơ hội làm việc với các đồng nghiệp tại ĐH Bách khoa và sinh viên tham gia chương trình giao lưu ở tại cả Việt Nam và Nhật Bản. Tôi đã cảm nhận được nhiệt huyết và khát vọng của các anh chị giảng viên cũng như sinh viên của trường Bách Khoa”.

TS Nguyễn Minh Hải rất ấn tượng về những thành quả trong đào tạo và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên Việt Nam. “Mặc dù điều kiện học tập và nghiên cứu tại Việt Nam là chưa lý tưởng, đặc biệt là về mặt trang thiết bị dùng cho đào tạo thực nghiệm và nghiên cứu khoa học còn chưa đầy đủ, nhưng cách các anh chị giảng viên vượt qua tất cả để làm chuyên môn mà thành quả đào tạo dễ nhận thấy nhất là các thế hệ sinh viên đầy đam mê và năng động đã thôi thúc tôi trở về Việt Nam, và Đại học Bách khoa Đà Nẵng như là điểm đến hết sức tự nhiên” – TS Hải chia sẻ.

TS Nguyễn Minh Hải (ngồi hàng trước ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp và sinh viên trong lễ tốt nghiệp của sinh viên Phòng nghiên cứu kết cấu khi còn làm việc tại ĐH Utsunomiya, Nhật Bản.
TS Nguyễn Minh Hải (ngồi hàng trước ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp và sinh viên trong lễ tốt nghiệp của sinh viên Phòng nghiên cứu kết cấu khi còn làm việc tại ĐH Utsunomiya, Nhật Bản.

TS Nguyễn Minh Hải dành thêm một số năm để tích lũy thật nhiều kinh nghiệm tại 1 nền giáo dục tiên tiến trước khi chuyển về Việt Nam. “Công việc của tôi tại Nhật, ngoài nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy mà còn được tham gia rất nhiều các công việc khác mà không nhiều người nước ngoài có cơ hội tham gia trong một trường đại học tại Nhật như xây dựng và kiểm định chương trình đào tạo (theo hệ thống kỹ sư Nhật Bản JABEE), đến các trường cấp 3 để quảng bá tuyển sinh, tổ chức các chương trình hợp tác giao lưu quốc tế… Những kinh nghiệm này đang giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc hiện tại” – TS Hải cho biết.

TS Nguyễn Minh Hải cho rằng mình rất may mắn khi trở thành giảng viên của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cũng đồng thời là thời điểm anh em giảng viên vừa tu nghiệp tại nước ngoài cũng mới trở về. “Đây là điều kiện lý tưởng để chúng tôi xây dựng được môi trường nghiên cứu khoa học thật sự hiệu quả. Trong điều kiện cơ sở vật chất để làm nghiên cứu tại Việt nam chưa phải là đầy đủ, nếu đi một mình thì quá khó khăn và rất dễ bị mất lửa dần dần”.

Tự học để đáp ứng nghiên cứu đa ngành

TS Hải cho rằng, với giảng viên đại học, nếu bản thân không giữ được lửa, không liên tục học tập và nghiên cứu cái mới, thì rất khó “truyền lửa” cho sinh viên. “Lửa” ở đây được tinh thần học tập suốt đời của một kỹ sư chứ không chỉ là học cho qua 4-5 năm đại học, mà nguồn lửa chính là sự đam mê được truyền từ người thầy.

PGS.TS Nguyễn Đình Lâm - Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng - Chủ tịch Hội đồng trường cho biết: "Mặc dù thời gian công tác tại trường chưa dài, lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 nhưng TS Nguyễn Minh Hải đã thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Ngoài ra, TS Hải đã tham gia tích cực vào quá trình đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng  tích hợp chương trình đào tạo cử nhân - kỹ sư theo yêu cầu mới của Bộ GD&ĐT. Chúng tôi đánh giá rất cao những tiến sĩ đã có thời gian giảng dạy - nghiên cứu ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc". 

Khi còn công tác ở trường đại học tại Nhật Bản, TS Nguyễn Minh Hải cùng một giáo sư vận hành phòng nghiên cứu về lĩnh vực kết cấu công trình và thực hiện các dự án nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, đặc biệt là các dự án thiên về việc ứng dụng hợp lý các loại vật liệu mới trong kết cấu công trình. Sau khi về Việt Nam, ngoài duy trì lĩnh vực thế mạnh của mình, TS Hải mở rộng thêm lĩnh vực để thích ứng với môi trường nghiên cứu và nhu cầu thực tế tại Việt Nam.

“Miễn là dự án nghiên cứu có ý nghĩa và khả thi đối với điều kiện thực tế của Việt Nam, tôi sẵn sàng học lại từ đầu những mảng kiến thức mà mình chưa có trước đó. Nếu tự học mà kiến thức vẫn chưa đủ sâu, tôi sẽ chủ động tìm kiếm và kết nối với những đồng nghiệp chuyên sâu về lĩnh vực đó để học hỏi và cùng thực hiện” - TS Hải khẳng định.

Để một nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, theo TS Nguyễn Minh Hải, cần có cái nhìn sâu sắc trên nhiều khía cạnh của vấn đề. “Nghiên cứu đa ngành đang và sẽ tiếp tục là xu thế của thế giới. Hiện nay, khi lên một ý tưởng nghiên cứu, tôi sẽ không bó buộc mình vào một lĩnh vực nào, miễn là dự án nghiên cứu có ý nghĩa và khả thi đối với ngành xây dựng nói riêng và kỹ thuật nói chung của Việt Nam, tôi sẵn sàng học lại từ đầu những mảng kiến thức mà mình chưa có trước đó hoặc chủ động tìm kiếm và kết nối với những đồng nghiệp chuyên sâu về lĩnh vực đó để học hỏi và cùng thực hiện” – TS Hải chia sẻ.

Ngoài lĩnh vực chuyên môn khi làm việc tại Nhật Bản là kết cấu công trình và vật liệu xây dựng, TS Nguyễn Minh Hải đang cùng một số đồng nghiệp tại Việt Nam và cả Nhật Bản triển khai một số đề tài liên quan đến quang học, hóa học, kiến trúc, giáo dục, xã hội…

TS Nguyễn Minh Hải đã tham gia với tư cách chủ trì và thành viên chính trên 10 dự án nghiên cứu do bộ KHCN Nhật Bản tài trợ, và các dự án nghiên cứu hợp tác với các tập đoàn xây dựng lớn như Nexco, Nippon Steel, Oriental Shiraishi, Japan Concrete Technology Co., Ltd, DC Co., Ltd. …

Ngoài ra, còn có trên 50 bài báo được xuất bản trên các tạp chí quốc tế uy tín và tạp chí của hiệp hội xây dựng Nhật Bản (JSCE). Trên 100 bài báo cáo tại các hội thảo chuyên ngành quốc tế và tại Nhật Bản.

Có hơn 8 giải thưởng từ hiệp hội xây dựng Nhật Bản (JSCE), trong đó tiêu biểu với các giải thưởng danh giá của hiệp hội như: Bài báo của năm trên tạp chí JSCE (2016); Bài báo của năm trên tạp chí cơ học Nhật Bản (2019)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.