Khơi gợi đam mê nghiên cứu khoa học: Thầy 3, trò 7

GD&TĐ - Nghiên cứu và tham gia các cuộc thi khoa học đối với học sinh phổ thông đã trở thành hoạt động quen thuộc. Đứng sau thành công của học trò luôn có bóng dáng người thầy với vai trò hướng dẫn.

Thầy Nguyễn Mạnh Tú (trái), Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) cùng học trò NCKH. Ảnh: NVCC
Thầy Nguyễn Mạnh Tú (trái), Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) cùng học trò NCKH. Ảnh: NVCC

Để học trò được “thực học, thực hành”, tích lũy kiến thức từ khoa học… giáo viên phải biết nhìn ra “nhân tài”, gợi mở, định hướng phù hợp nhưng chỉ chiếm 30%, còn lại là của trò.

Nuôi dưỡng nhân tài

Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học (NCKH), thầy Nguyễn Mạnh Tú, giáo viên Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) - với 7 năm liền tham gia hướng dẫn học sinh NCKH trong đó 4 năm liên tiếp đoạt giải cấp quốc gia – cho rằng, mấu chốt là tạo cho học sinh học tập, trao đổi ý tưởng, tiếp cận khoa học thông qua nhóm, câu lạc bộ giáo dục STEM nhà trường.

Từ môi trường này, ý tưởng khoa học trong học sinh sẽ có cơ hội chắp cánh, nảy nở và tìm đến thầy cô hướng dẫn. Khi ấy, người thầy cần hết sức trân trọng ý tưởng của học trò cho dù non nớt, thiếu trọn vẹn. Cùng đồng hành, thầy, trò sẽ tìm ra hướng đưa kiến thức vào thực tiễn phù hợp.

Với kinh nghiệm 7 năm liền hướng dẫn học sinh NCKH đều “ẵm” giải quốc gia, thầy Ngô Văn Tiến, Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh), bày tỏ quan điểm: Muốn có “nhân tài” cần biết nuôi dưỡng, khơi dậy đam mê. Trước hết phải tạo ra “sân chơi” là những câu lạc bộ để học sinh được trải nghiệm, “nhúng” mình vào môi trường thực hành.

Nhà trường, thầy cô cũng cần thúc đẩy các em tham gia cuộc thi NCKH nhỏ để tiếp cận kiến thức, các vấn đề khoa học kỹ thuật cơ bản. Khi thành thạo với sân chơi phù hợp, học sinh có tiền đề vững chắc, tự tin bước vào những sân chơi lớn.

Cũng theo thầy Tiến, quá trình nuôi dưỡng “nhân tài” nên mời các chuyên gia hỗ trợ, giao lưu bởi giáo viên không thể một mình làm tốt mọi việc. Không cần tìm kiếm đâu xa khi lựa chọn chuyên gia bởi các nhà trường có thể “lấy” ngay những học sinh xuất sắc khóa trước để trao đổi, giao đề tài, lập trình… cùng học trò khóa sau. Như vậy, học sinh lớn có  thể giúp nhà trường, giáo viên hướng dẫn truyền lại kỹ năng, khả năng, gợi ý cách làm, tự học và nghiên cứu hiệu quả.

Từ góc độ quản lý, thầy Hoàng Hải Nam, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình), bày tỏ: Cơ sở vật chất dành cho việc dạy và học nói chung, công tác NCKH nói riêng thiếu thốn là thách thức không nhỏ đối với thầy và trò. Nhưng khó khăn lớn hơn cả là khơi dậy niềm đam mê NCKH, sự tự tin thể hiện mình của học sinh cũng như hạn chế về kinh nghiệm hướng dẫn nghiên cứu của thầy, cô giáo...

Các nhà trường cũng cần bắt đầu “dưỡng” nhân tài từ giao nhiệm vụ hướng dẫn cho giáo viên và NCKH cho học sinh từ những dự án nhỏ, ý tưởng đơn giản. Mức độ phức tạp, quy mô dự án nên tăng dần trong các năm học khi kinh nghiệm, tự tin, say mê nghiên cứu của cả thầy và trò lớn hơn...

Nguyễn Hoàng Sơn, học sinh lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) vừa đoạt giải Nhất với đề tài “Thiết kế phần mềm điều khiển các hệ thống thông minh lưới điện EMS” tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Ninh Bình năm 2021, cho rằng: NCKH trong trường học bổ ích, giúp học sinh biết phát huy sáng tạo, đưa kiến thức mới áp dụng vào thực tiễn. Mặt khác, kiến thức thực hành cũng bổ sung cho học sinh hiểu sâu hơn lý thuyết trên lớp; rèn luyện khả năng tìm tòi nghiên cứu sáng tạo, phát huy hết năng lực sở trường. Sau này khi ra trường sẽ không còn bỡ ngỡ với NCKH thực tiễn…

Thầy Ngô Văn Tiến (ngoài cùng bên trái), Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) hướng dẫn học sinh NCKH. Ảnh: NVCC
Thầy Ngô Văn Tiến (ngoài cùng bên trái), Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) hướng dẫn học sinh NCKH. Ảnh: NVCC

Giáo viên chỉ định hướng, gợi mở

Chia sẻ quan điểm sau 5 lần hướng dẫn học sinh NCKH thì 3 lần các dự án đoạt giải cao tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, quốc gia tham gia, thầy Phạm Văn Điệp, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai), cho rằng: Để hướng dẫn hiệu quả, trước hết học trò phải tìm được đề tài hay, thiết thực (xuất phát từ cuộc sống, vấn đề thời sự…).

Quá trình hướng dẫn, giáo viên với kinh nghiệm của mình đưa ra những câu hỏi phản biện để học trò trả lời. Những câu hỏi có thể xuất phát từ vấn đề học sinh đang vướng mắc để buộc các em suy nghĩ tìm câu trả lời. Giải quyết được câu hỏi phản biện của thầy giáo đồng nghĩa học sinh được học hỏi, nghiên cứu sâu hơn kiến thức và từ đó tiếp tục tìm hiểu vấn đề sâu hơn.

Trong hướng dẫn học sinh NCKH, giáo viên luôn đóng vai trò phản biện để học sinh đi tìm lời giải cho bài toán thỏa đáng nhất. Quá trình phản biện giúp học sinh thấy được bản thân đang thất bại ở đâu, thiếu kiến thức gì… để tự bồi đắp, tìm hiểu, nghiên cứu, suy nghĩ… cho ra hướng tối ưu.

Khi dự án, vấn đề đi vào bế tắc, giáo viên có thể bằng kinh nghiệm để gợi mở, dẫn dắt học trò tìm lời giải đáp, song tuyệt đối không làm hộ. Thậm chí, biết chấp nhận thất bại của học sinh để cả thầy và trò học thêm nhiều bài học từ thất bại.

Thầy Nguyễn Mạnh Tú, Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình), chia sẻ kinh nghiệm: Khi “bắt tay” vào hướng dẫn học trò NCKH cần tìm hiểu kỹ ý tưởng đề tài của học trò ra sao, xuất phát từ đâu? Sau đó hướng tìm kiếm thông tin liên quan và kết hợp với điều kiện có sẵn trong phòng thí nghiệm mới bắt tay vào triển khai.

Giáo viên kề cận với học sinh nhưng chỉ làm nhiệm vụ định hướng, gợi mở để triển khai đề tài. Chỗ nào vướng thì hướng dẫn học trò tìm thêm thông tin từ các nguồn khác nhau để hoàn thiện.

Trong quá trình hướng dẫn, nhiều khi quan điểm khoa học của thầy và trò không gặp nhau, thậm chí mâu thuẫn đối lập. Nhưng vẫn phải tôn trọng ý kiến của học trò, bởi kết quả cuối cùng mới là câu trả lời các em đúng hay sai. Nhiều khi đi theo hướng của thầy thì thất bại nhưng của học trò lại thành công...

Trong hướng dẫn nghiên cứu khoa học một đề tài nào đó, vai trò của thầy cô chỉ nên đóng 30%, 70% phải của học trò. Những vấn đề học sinh chưa thành thạo, không có kinh nghiệm, mang tính hàn lâm…, giáo viên có thể hỗ trợ, hướng dẫn, gợi ý. Còn lại về cơ bản học sinh phải chủ động tự học, tự hành. - Thầy Nguyễn Mạnh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nguyễn Xuân Son được tặng ô tô tiền tỷ từ Omoda&Jaecoo Việt Nam.

Xuân Son được tặng ô tô tiền tỷ

GD&TĐ - Omoda&Jaecoo Việt Nam đã có hành động thiết thực tri ân Nguyễn Xuân Son bởi những đóng góp của tiền đạo với bóng đá Việt Nam.

Minh họa/INT

Cái kết không có hậu

GD&TĐ - Thời kỳ gần 10 năm cầm quyền của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã chấm dứt với một kết cục đáng buồn.