Hôm nay, 6/11, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được bàn giao cho TP Hà Nội để đi vào vận hành sau hơn một thập kỷ xây dựng, trải qua 5 đời bộ trưởng, hàng chục lần lỡ hẹn và đội vốn hàng trăm triệu USD.
Khi bắt đầu triển khai, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vốn được kỳ vọng là khâu đột phá của giao thông Thủ đô, hứa hẹn cải thiện bộ mặt giao thông đô thị, theo hướng hiện đại. Thế nhưng, dự án dây dưa kéo dài tới 10 năm, vượt quá sự tưởng tượng của nhiều người.
Đơn cử như dù là điển hình về chậm tiến độ cũng như đội vốn, đặc biệt là khi đã hoàn thành tới 99% khối lượng nhưng chỉ vài ngày trước đây, vẫn chưa thể biết khi nào mới chính thức đưa vào vận hành thương mại…
Đã có rất nhiều cuộc làm việc, nhiều cuộc khảo sát, thị sát, rồi yêu cầu phải gấp rút, phải phấn đấu hoàn thành; Thậm chí, Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất lập Tổ công tác xây dựng kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ cuối cùng của dự án nhằm giải quyết các vướng mắc, sớm đưa dự án vào vận hành nhưng cuối cùng, 1% vẫn là “con số rất lớn” và cũng không có ai phải chịu trách nhiệm về việc này... Chỉ chừng đó thôi đã đủ để thấy một phần bức tranh tổng thể về dự án này.
Nói như Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông thì dự án để lại nhiều bài học. Đó là công tác chuẩn bị đầu tư của dự án chưa tốt, Bộ chưa lường hết nhiều vấn đề phát sinh nên phải điều chỉnh bổ sung thiết kế. Hay như việc chậm tiến độ, lẽ ra dự án hoàn thành năm 2017 nhưng công tác giải phóng mặt bằng chậm và thiết kế kỹ thuật thay đổi khiến thời gian bị kéo dài.
Ngoài ra, tiêu chuẩn thiết kế của Việt Nam về đường sắt đô thị chưa có, mới có thông tư về khai thác, trong khi thực hiện, khung tiêu chuẩn của dự án được áp dụng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, nước này lại dựa theo quy chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, giữa các tiêu chuẩn cũng chưa đồng bộ... Việc chưa đồng bộ ngay từ đầu có thể là bài học rút ra sau này, để tránh mất nhiều thời gian.
Bài học nữa theo ông Đông là hệ thống quy định pháp luật chưa đồng bộ, đặc biệt với hợp đồng EPC khiến các bên vừa làm phải vừa điều chỉnh. Trong tương lai, dự án giao thông phức tạp trong đô thị thì phải tách riêng dự án giải phóng mặt bằng, sau đó mới triển khai đầu tư xây lắp sẽ đẩy nhanh tốc độ, hiệu quả...
Có thể thấy, những nguyên nhân - đồng thời cũng là bài học trong quá trình triển khai dự án này bao gồm cả khách quan và chủ quan. Nhưng dù do nguyên nhân gì thì cũng phải có “địa chỉ” chịu trách nhiệm cụ thể chứ không thể rằng Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo trách nhiệm chung thuộc về chủ đầu tư, giải phóng mặt bằng thuộc Hà Nội.
Bộ sẽ phân tích, đánh giá trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan và xử lý theo quy định bởi những nguyên nhân này đã được chỉ ra từ lâu chứ không phải mới phát sinh.
Nước ta đang triển khai xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị như Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội); Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương (TP Hồ Chí Minh)…
Cho nên, những bài học rút ra từ dự án Cát Linh - Hà Đông thực sự rất “bổ ích” nhằm tránh “vết xe đổ”: Chuẩn bị không tốt - chậm tiến độ - đội vốn - không xác định được thời gian đưa vào vận hành thương mại...