Tránh thu hồi đất tràn lan

GD&TĐ - Sáng 1/11, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được trình ra Quốc hội.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Liên quan đến thu hồi đất có thể thấy dự thảo Luật chưa làm rõ nội hàm của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và phạm vi thu hồi vẫn quá rộng. Đây cũng là nhược điểm rất lớn của Luật Đất đai năm 2013.

Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng.

Luật Đất đai năm 2013 đưa nguyên quy định của Hiến pháp vào luật, sau đó quy định các trường hợp thu hồi đất nhưng phạm vi thu hồi quá rộng. Điều 62 cho phép thu hồi đất để phát triển, xây dựng các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất… Phần lớn trong số đó là dự án thương mại thuần túy, không vì mục đích phục vụ lợi ích công.

Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp trên thực tế, việc thu hồi đất lại do chính quyền địa phương đứng ra đảm nhận để giao cho doanh nghiệp, thay vì để doanh nghiệp tự thương lượng với từng người dân.

Thu hồi đất thông qua sử dụng quyền lực hành chính thường dẫn đến thua thiệt cho người dân, bởi hiếm khi quyền sử dụng đất được đền bù thỏa đáng theo giá thị trường và được hưởng lợi nhiều nhất chính là những doanh nghiệp được giao đất theo tiến trình này.

Sự giàu lên bất thường của rất nhiều công ty bất động sản Việt Nam không phải từ khả năng sáng tạo công nghệ xây dựng, vật liệu mới, quản lý mới, mà xuất phát từ sự “dễ bất thường”, “rẻ bất thường” trong việc lấy đất của dân như thế. Và đặc biệt, phạm vi thu hồi đất quá rộng cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng - như chúng ta đã thấy trong suốt 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Đáng tiếc, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - bản trình Quốc hội - chưa khắc phục được nhược điểm này. Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung định nghĩa dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng song phạm vi được quy định còn rộng, chưa cụ thể tiêu chí.

Dự thảo Luật cũng chưa phân biệt rõ giữa mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích kinh tế đơn thuần để minh bạch trong việc thu hồi đất.

Để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi, Ủy ban Kinh tế yêu cầu ban soạn thảo phải xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định một cách cụ thể, rõ ràng các loại dự án, tránh quy định quá rộng, chung chung.

Đặc biệt, phải cân nhắc việc thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Bởi lẽ, các dự án nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Dự án nhà ở thương mại khó và không có cơ sở rõ ràng để xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không để quy định thành trường hợp Nhà nước thu hồi đất, dẫn đến dễ bị lợi dụng, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện gia tăng.

Bên cạnh đó, khái niệm “dự án đô thị” là thuật ngữ mới, là nội dung mới được đưa vào luật khi xác định Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng, do đó, cần làm rõ nội hàm và có giải thích cụ thể.

Sửa đổi Luật Đất đai lần này có ý nghĩa quan trọng và bài toán công bằng và hài hòa lợi ích giữa các bên trong thu hồi đất phải tìm được lời giải. Nếu không tường minh được những vấn đề nêu trên, không khó để các bên muốn lấy đất diễn giải và “lách” dự án cho vừa cái áo quá rộng - “phát triển kinh tế - xã hội vì quốc gia, công cộng” và hệ quả như chúng ta đã thấy: Người dân bất bình, cán bộ suy thoái, hiệu quả sử dụng đất thấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ