Phim Trạng Tí dự kiến khởi chiếu trên toàn quốc vào đúng mùng 1 Tết Tân Sửu. Thế nhưng bộ phim cùng ê - kíp sản xuất đang vấp phải làn sóng tẩy chay rất mạnh từ công chúng cũng như từ tác giả truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” – họa sĩ Lê Linh.
Trong một bài viết trên Báo GD&TĐ, chúng tôi từng nhắc tới bộ truyện tranh này cũng như sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới độc giả. Sau hàng chục năm thị trường truyện tranh Việt phải nhập ngoại, thì năm 2002 khi “Thần đồng Đất Việt” ra mắt độc giả đã bù đắp được khoảng trống nội địa.
Từng mẩu truyện ngắn rất vui nhộn và có đủ tính giải trí lẫn giáo dục cho bạn đọc nhỏ tuổi xoay quanh các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo. Bộ truyện tranh này gắn liền với hai cái tên: Công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Phong Linh cùng những vụ kiện tụng về tác quyền cũng như quyền sở hữu.
Trong khi mâu thuẫn giữa đơn vị phát hành và tác giả bộ truyện tranh chưa tới hồi kết, thì từ năm 2016 đến 2018 ê - kíp sản xuất phim của Ngô Thanh Vân làm việc với Công ty Phan Thị thỏa thuận mua 5 tập truyện để làm phim “Trạng Tí”. Có thể chủ quan, hoặc thiếu thông tin nên đơn vị sản xuất phim không biết đến vụ kiện tụng kéo dài nói trên.
Khi sự việc xảy ra, họa sĩ Lê Linh lên tiếng, ê - kíp làm phim liên hệ đơn vị phát hành truyện thì mới biết chưa có phán quyết cuối cùng từ tòa án. Vì vậy hợp đồng giữa hai bên vẫn có hiệu lực và ê - kíp phim phải bắt đầu bấm máy vì mọi thứ đã sẵn sàng.
Ngô Thanh Vân đã chủ động tìm đến họa sĩ Lê Linh để tìm cách xử lý do hợp đồng với Phan Thị đã ký kết xong. Tuy nhiên, tác giả bộ truyện từ chối mọi đề nghị về quyền lợi từ phía nhà sản xuất. Ông cũng nói rằng, lời đề nghị tại một thời điểm không phù hợp thì tâm trí đâu mà nghĩ đến phim với ảnh.
Trước đó, vào năm 2019 tòa án công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật trong truyện “Thần đồng đất Việt”. Công ty Phan Thị chỉ giữ quyền sở hữu tài sản, được làm tác phẩm phái sinh nhưng không được sửa chữa, cắt xén hình thức thể hiện các nhân vật hoặc xuyên tạc hình thức thể hiện này dưới bất cứ hình thức nào.
Vụ kiện đã tưởng như kết thúc nhưng phía Phan Thị kháng cáo nên sự việc tiếp tục kéo dài. Khi mọi chuyện ngã ngũ thì bộ phim Trạng Tí cũng đã hoàn tất và ấn định luôn ngày công chiếu.
43 tỉ đồng, ê - kíp 500 người, làm hơn 3 năm mới hoàn thành nhưng bộ phim sẽ không thể công chiếu. Nếu công chiếu cũng sẽ vấp phải vấn đề pháp lý và làn sóng tẩy chay. Rồi đây, rất có thể nhà sản xuất sẽ phá sản mà công sức của 500 người trong suốt 3 năm cũng sẽ “đổ sông đổ biển”.
Tâm huyết cống hiến cho đất nước những bộ phim thuần Việt hay và ý nghĩa sẽ khó thành hiện thực, nếu các bên không ngồi lại với nhau, cảm thông cho nhau và cùng chung tiếng nói nhân văn. Trong phim, mẹ Tí nói với con: “Nhiều khi cái tình còn lớn hơn cái lý”, còn thực tế Tí chỉ thấy cái “lý” chứ chưa thấy cái “tình”.