Tự chủ và tự học

GD&TĐ - Sáng học trên lớp, chiều và tối học thêm vốn là thời khóa biểu của không ít học sinh.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Một số phụ huynh sắp xếp kín lịch học như vậy vì không có thời gian quản lý, sợ con ở nhà chỉ chơi điện thoại, game… Còn lại, đa số xuất phát từ mong muốn trẻ được củng cố, bổ sung kiến thức, để tiến bộ, học giỏi hơn, cải thiện điểm số, hướng đến trường học tốt ở cấp học trên. Tuy nhiên, liệu có phải càng học thêm nhiều sẽ càng giỏi? Học nhiều giờ mỗi ngày có đồng nghĩa với chăm học và học tập hiệu quả?

TS Nguyễn Minh Giám - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) tổng hợp từ các nghiên cứu về thời gian học tập tốt nhất cho học sinh phổ thông được khuyến nghị. Theo đó, các em nên dành từ 2 - 4 giờ tự học sẽ đạt hiệu quả cao nhất trong ôn luyện, phát triển kỹ năng tư duy và có kết quả học tập tốt hơn so với học sinh chỉ học trên lớp.

Việc học trên lớp chiếm 40 - 50% tổng thời gian học tập là phù hợp. Học sinh nên dành thêm 20 - 30% quỹ thời gian này để học với giáo viên hướng dẫn hoặc học nhóm và 30 - 40% cho tự học. Ngoài ra, cần dành ít nhất 60 phút mỗi ngày để vận động thể chất - theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và 1 - 2 giờ mỗi ngày cho các hoạt động yêu thích giúp giảm căng thẳng, tăng động lực học tập.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể quy định số tiết học trung bình của học sinh tiểu học từ 25 - 30 tiết/tuần (mỗi tiết 35 phút), với trung học từ 29 - 29,5 tiết/tuần (mỗi tiết 45 phút). Nếu áp dụng mức trung bình này, thời gian thực học của học sinh tiểu học là 3 - 4 giờ/ngày, học sinh trung học khoảng 4,5 giờ/ngày.

Nhiều giáo viên thừa nhận, học thêm quá nhiều sẽ khiến học sinh ỷ lại vào kiến thức trên lớp, nội dung giáo viên cung cấp, khiến cho việc học trở nên thụ động. Các em không có thời gian thẩm thấu, chuyển hóa kiến thức thành của mình; cũng như không còn thời gian cho hoạt động hữu ích khác để rèn luyện kỹ năng, phát triển bản thân.

Quy định mới của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm chắc chắn sẽ làm thay đổi nhận thức, thói quen của cả giáo viên, học sinh. Thay vì “cô dạy nhiều, trò học ít” sẽ chuyển thành “cô dạy ít, trò học nhiều”. Đây cũng là yêu cầu đặt ra khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Năng lực đầu tiên trong số 10 năng lực chương trình quy định chính là tự chủ và tự học.

Nếu triển khai đúng tinh thần chương trình này, học sinh không còn bị nhồi nhét kiến thức; thay vào đó, năng lực và khả năng tư duy sẽ hình thành theo từng cấp độ thông qua các hoạt động học tập. Kết quả đầu ra không phải là học sinh thu lượm được bao nhiêu kiến thức, mà các em có được phẩm chất, năng lực gì.

Điều này tất yếu dẫn đến thay đổi trong cách dạy và cách học. Thói quen dạy học theo lối cũ (nặng về trang bị kiến thức hàn lâm) cần chuyển sang dạy học hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn cho học sinh. Về việc này, Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2020 đã hướng dẫn giáo viên thực hiện đúng vai trò của mình là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học tập học sinh chứ không phải chỉ dạy.

Nhà trường, giáo viên phải coi trọng hơn việc dạy học sinh tự học, biết cách học, vận dụng kiến thức, không phải chỉ đến lớp nghe giảng. Thay đổi cách đánh giá, hướng tới vì sự tiến bộ của học sinh thay vì tập trung vào điểm số cũng là động lực gia tăng ở học sinh tinh thần tự giác, chủ động học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ