Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) về quản lý dạy thêm, học thêm ra đời trong bối cảnh học sinh lớp 12 đang chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT mới. Một điểm đáng chú ý của thông tư là nhà trường được tổ chức dạy thêm cho học sinh ôn thi cuối cấp, nhưng hoạt động này sẽ không thu tiền. Điều này đặt ra cho các trường nhiều việc cần tính toán.
Thực hiện Thông tư 29, liên quan đến kinh phí tổ chức ôn thi, tinh thần chung của nhiều tỉnh, thành vẫn là để tự nhà trường sắp xếp. Chẳng hạn với Thanh Hóa, sở GD&ĐT yêu cầu các trường bố trí kinh phí chi cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ nguồn kinh phí đã cấp cho đơn vị năm 2025; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có quy định mức chi tổ chức dạy thêm, học thêm.
Ở các tỉnh, thành khác chưa có hướng dẫn, một số trường học đã chủ động giải pháp như: Chi trả thù lao cho giáo viên ít lại so với mọi năm; vận động thầy cô dạy ôn không có thù lao; vận động phụ huynh mạnh về kinh tế tài trợ cho hoạt động ôn thi của học sinh; kết hợp các tiết buổi 2 để ôn tập, củng cố và nâng cao kiến thức.
Đáng chú ý, nhiều trường còn chủ động mở rộng không gian học tập trên hệ thống LMS 360, bố trí lớp học trực tuyến, xây dựng kho học liệu số để học sinh tự ôn tập. “Là năm lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình mới, với nhiều điểm mới, không thể tránh khỏi bỡ ngỡ.
Nếu vì không được thu tiền mà không thực hiện kế hoạch ôn thi như mọi năm, buông lỏng tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho các em có kết quả học tập ở mức chưa đạt, tình hình sẽ rất căng. Vì thế, chúng tôi phải nghĩ đủ cách để được cho học sinh, mà không vi phạm”, một hiệu trưởng chia sẻ.
Sự nỗ lực, linh động sáng tạo của các trường rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, cần thấy rằng các trường làm tốt việc tổ chức ôn thi mà không thu tiền vẫn là trường có “điều kiện”, nhất là nhóm trường dạy 2 buổi/ngày, trường có đầu vào cao.
Ở các trường vùng khó khăn, có đầu vào thấp, việc tổ chức ôn thi cho học sinh lớp 12 như thế nào sau ngày 31/5 vẫn là bài toán khó. Thời gian qua, học phí học thêm trong nhà trường 70% được trả cho giáo viên, khoảng 30% còn lại trường dùng để chi trả điện nước, hao mòn cơ sở vật chất...
Nay không được thu tiền nữa, nhiều trường không có nguồn để chi trả. Thực tế này đòi hỏi địa phương, ban ngành phải tham gia trợ lực công tác ôn thi, chứ không thể trông cậy hoàn toàn vào việc nhà trường tự khắc phục bằng cách huy động nguồn lực xã hội, kết hợp với chính sách động viên giáo viên.
Mới đây, để gỡ khó cho các trường trong công tác tổ chức ôn tập, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị theo điều kiện thực tế của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh.
Một số hiệu trưởng gợi ý rằng trước đây HĐND tỉnh/thành phố đã xây dựng mức thu đối với hoạt động bồi dưỡng văn hóa trong nhà trường (dạy thêm). Cũng có thể vận dụng khung này để chi hỗ trợ trở lại cho giáo viên và nhà trường trong công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp.
Được biết đến nay, ngành Giáo dục một số tỉnh/thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc… đã gấp rút nghiên cứu, tham mưu xây dựng nghị quyết của HĐND về việc hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường cho các đối tượng theo quy định tại Thông tư 29, trong đó có học sinh lớp 12. Rất mong các địa phương khác cũng sớm tính toán, kịp thời trợ lực để công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp diễn ra thuận lợi, hiệu quả.