Thay vì chờ đợi thầy dạy thêm, hãy tự học nhiều hơn

GD&TĐ - Các nhà trường, thầy cô sẽ quan tâm tổ chức ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, thay vì cứ chờ đợi để thầy dạy thêm, học sinh hãy tự học nhiều hơn.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ tại Ngày hội tự tin vào lớp 10.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ tại Ngày hội tự tin vào lớp 10.

Đây là chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý đến học sinh tại Ngày hội tự tin vào lớp 10 sáng 23/2.

Nhiều nội dung học sinh có thể tự chủ động

Một học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) nêu vấn đề: Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT có mục đích rất tốt đẹp, bảo vệ những học sinh bị ép buộc học thêm. Tuy nhiên, học sinh cuối cấp như chúng em mong muốn được học thêm để có thể thi đỗ vào lớp 10.

Trước chia sẻ này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) đặt ngược câu hỏi lại với học sinh: Có bao nhiêu em đã làm hết các bài tập, trả lời các câu hỏi có trong sách giáo khoa?

“Các em hãy cộng từ đầu năm đến giờ mình đã giải bao nhiêu bài tập, trả lời bao nhiêu câu hỏi, rồi xem trong số đó có bao nhiêu bài giống/khác nhau; thống kê có bao nhiêu công thức để giải các bài tập… Nếu làm được việc đó, các em sẽ tự tin vào khả năng của mình với môn học này. Các em chỉ cần nhớ từng đó công thức, từng đó kiểu bài tập” - ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý, đồng thời nhắn nhủ học sinh đừng chỉ trông chờ vào việc được thầy dạy nhiều hơn, mà hãy tự học nhiều hơn.

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm đã quy định rõ việc dạy thêm trong nhà trường dành cho 3 đối tượng, trong đó có học sinh cuối cấp ôn thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.

Các nhà trường chắc chắn sẽ tổ chức ôn tập, nhưng nên đầu tư nhiều hơn cho “học thêm” thay vì “dạy thêm”. Cần phân biệt “dạy thêm” và “học thêm”. Thay vì đề nghị thầy cô dạy thêm, học sinh nên mạnh dạn chủ động đặt câu hỏi đến thầy cô.

Để tự tin, học sinh cũng cần tìm hiểu, biết khi vào THPT mình sẽ học bao nhiêu môn bắt buộc, được quyền tự chọn những môn nào để có sự chuẩn bị, định hướng.

3 từ khóa: Chuyên cần, chuyên tâm, chuyên sâu

Làm gì để thi đỗ vào lớp 10 nếu không dạy học thêm? Đây là câu hỏi được rất nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm. Với băn khoăn này, thầy Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhấn mạnh đến vai trò tự học và đặt hỏi đến học sinh "có bao nhiêu em tự tin về cách tự học?".

Một học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) đã xung phong lên sâu khấu chia sẻ về kinh nghiệm tự học của mình.

Em cho biết, điều cần quan tâm đầu tiên là việc bảo đảm một sức khỏe thật tốt; cùng với đó là tìm kiếm tài liệu ôn tập, tham khảo chất lượng từ thầy cô, bạn bè, các anh chị đã thi đỗ vào những trường THPT tốp đầu; đồng thời cân đối thời gian cho mỗi môn học. Em cũng nhấn mạnh việc “vừa học, vừa hành” với các môn khoa học tự nhiên; với các môn xã hội, như Ngữ văn, cần dành thời gian đọc sách, nghe các chương trình thời sự để cập nhật, bổ sung kiến thức.

Tiếp nối lời chia sẻ của em học sinh, thầy Lưu Văn Thông tư vấn: Học sinh trước hết phải xây dựng được kế hoạch, đặt ra mục tiêu và chia nhỏ mục tiêu để thực hiện, tránh ôn quá nhiều vào một thời điểm; đặc biệt, phải dành thời gian cho việc này.

Tự học không có nghĩa là ngắt kết nối với thầy cô. Các em hãy kết nối qua điện thoại, tin nhắn để hỏi thầy cô về những vấn đề mình quan tâm. Đồng thời, tự học cần phải có tài liệu; mà phiếu học tập, đề kiểm tra và các nội dung khác mà thầy cô cung cấp là những tài liệu quý. Ngoài ra, tài liệu còn có sách tham khảo; đề thi thử của các trường, các quận huyện mà học sinh có thể tìm kiếm trên internet… Cần tự làm bài kiểm tra, bài thi một cách thật nghiêm túc, bấm giờ để tập cách căn chỉnh thời gian, không dành quá nhiều thời gian cho câu hỏi khó.

“Dù bất cứ phương pháp nào, chúng ta cũng phải xây dựng được tính kỷ luật, thói quen tự học và nghiêm túc trong rèn luyện thói quen này. Khi đủ 3 “chuyên”: chuyên cần, chuyên tâm, chuyên sâu, các em sẽ tự tin đạt kết quả tốt nhất”.

Lưu ý thêm điều này, thầy Lưu Văn Thông đồng thời nhắn nhủ học sinh cần thích nghi với quy định mới; thích nghi tốt sẽ thành công nhanh hơn. Đây là quy định chung, thực hiện trên toàn quốc, không phải chỉ với riêng trường nào, địa phương nào. Với học sinh lớp 9, nhà trường, thầy cô vẫn tổ chức ôn tập và các em yên tâm sẽ được sự hỗ trợ của thầy cô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Lần đầu nếm kẹo dừa non

GD&TĐ - Thực ra, kẹo dừa non được nhắc là quà đặc sản ở Phú Yên và thường mang màu vàng hoặc xanh cốm.

Khu vườn nhà êm ả. Ảnh: Ngọc Phạm

Giọt quê, giọt nhớ

GD&TĐ - Mỗi lần ai đó hỏi quê tôi ở đâu, mùa Xuân năm nay có về quê không, tôi thường trả lời quê em xa lắm, em không về...