Số xe máy này được gom về các bãi chứa từ nhiều năm nay mà không có hướng xử lý. Do không có mái che, phơi giữa nắng mưa, toàn bộ số xe máy bị thu giữ nói trên đã bị hư hỏng, mục nát nên phải bán dưới hình thức “sắt phế liệu”, với giá khởi điểm là 3 tỷ 391 triệu đồng. Bình quân mỗi xe chưa được 500 nghìn đồng.
Có nhiều lý do để các chủ xe không đến nộp phạt và nhận xe về. Trước hết là số tiền phạt chủ phương tiện vi phạm luật giao thông có thể cao hơn giá trị của xe; cũng có thể chiếc xe bị thu giữ không rõ nguồn gốc như nhập lậu, ăn cắp nên không có giấy tờ hợp lệ… Những lý do vừa nêu khiến chủ xe chọn giải pháp bỏ luôn xe!
Về phía cảnh sát giao thông, hễ xe nào vi phạm luật là cứ đưa về bãi rồi đợi chủ xe đến nộp phạt lấy xe về. Số người đến lấy xe về đều là chủ nhân của những chiếc xe đắt tiền, giá trị của xe cao hơn gấp nhiều lần số tiền nộp phạt nên chủ xe chấp nhận bị phạt. Còn những người bỏ xe luôn thì cơ quan chức năng không có giải pháp nào ngoài việc phơi xe giữa bãi trông giữ!
Không chỉ ở TPHCM mới có tình trạng người vi phạm luật giao thông bỏ xe mà hầu như khắp các tỉnh, thành đều có. Các bãi đỗ xe có chung một đặc điểm là không có mái che, xe thu giữ bị phơi giữa trời nên chỉ cần một vài năm là chiếc xe thành sắt phế liệu. Không một ai biết đau xót khi nhìn những chiếc xe cứ rỉ sét dần theo năm tháng khi chúng bị phơi mình giữa nắng mưa như thế.
Cũng đã có những ý kiến góp ý cho việc thanh lý loại xe “vô chủ” này như gửi giấy nộp phạt về địa chỉ của chủ xe và quy định nếu trong vòng một vài tuần mà không đến nộp phạt để nhận xe về thì chiếc xe ấy được bán rẻ ngay cho những ai cần xe máy mà tiền ít.
Tuy nhiên, đối với các tỉnh lẻ, giải pháp ấy thì được, còn với những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, việc “gửi giấy nộp phạt” cho chủ xe là điều rất khó, nếu không nói là không thể. Hàng nghìn, hàng vạn dân ngụ cư từ các tỉnh về thành phố kiếm kế sinh nhai.
Nay họ ở chỗ này, mai lại chuyển chỗ khác nên rất khó để biết địa chỉ đích xác của người vi phạm luật. Vì vậy, những chiếc xe bị giam giữ nhanh chóng sẽ thành xe vô chủ.
Nên chăng, từ bây giờ, nếu chủ nhân các phương tiện vi phạm luật giao thông không đến nộp phạt để nhận xe về sau một tuần thì chiếc xe ấy có thể bán thanh lý luôn hoặc chọn một hình thức nào đó phù hợp để những chiếc xe kia không thành sắt phế liệu, gây lãng phí lớn.
Hàng nghìn chiếc xe từ chỗ là phương tiện làm ăn giờ thành sắt phế liệu, rao bán với giá rẻ mạt chỉ vì chúng ta thiếu một giải pháp để xử lý những trường hợp này. Đây cũng là một dạng lãng phí cần có giải pháp để khắc phục.