Liệu rằng, việc “thắng giòn” của phim đầu tay này có thể là cú hích cho thị trường điện ảnh nước nhà thêm sôi động và khích lệ sự nhập cuộc mạnh mẽ hơn nữa của những đam mê?
Phải sau Tết tận 10 ngày “Đèn âm hồn” mới có thể ra rạp. Thế nhưng, bộ phim bất ngờ bứt tốc xuất sắc để liên tục dẫn đầu doanh thu phòng vé suốt tuần đầu, vượt trước các phim đang ăn khách của Trấn Thành, Thu Trang như “Bộ tứ báo thủ”, “Nụ hôn bạc tỷ”.
Sự dẫn đầu này chỉ chững lại khi các phim của Mỹ (Captain America: Thế giới mới), Thái Lan (Rider: Giao hàng cho ma), Hàn Quốc (Dark Nuns) bắt đầu “đổ bộ” Việt Nam từ giữa tháng Hai.
Tại rạp Beta Cenima Mỹ Đình, dù không phải ngày cuối tuần nhưng khán giả (phần đông là bạn trẻ) vẫn phải xếp hàng mua vé và bằng lòng chờ cả tiếng để xem “Đèn âm hồn”. Có suất, dù phim đã chiếu hơn 30 phút mà vẫn còn cả nhóm người vội vã đến, lấp kín phòng hơn 100 chỗ. Những bàn luận cùng tiếng cười đôi khi rộ lên…
“Đèn âm hồn” có phần khai từ gây tò mò. Đó là, một đêm khuya khoắt, người dân trong làng đốt đuốc, ồn ào khiêng cái sọt có người đàn bà chửa hoang tên Mai và ném xuống sông theo sự chỉ đạo của gã đàn ông tên Sùng.
Khung cảnh núi rừng hùng vĩ, sông nước mênh mông, huyền ảo thực sự đem đến cho người xem sự háo hức chờ đợi về dự án điện ảnh đầu tay của một YouTuber, được lấy cảm hứng từ “Chuyện người con gái Nam Xương”, tác phẩm nổi tiếng trong cuốn “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, sẽ có gì thú vị, hấp dẫn.
Đúng là dáng dấp của “Chuyện người con gái Nam Xương” vẫn hiển hiện ở đây, bắt đầu từ nỗi niềm mong ngóng người chồng đi lính (tên Đinh) bấy lâu bặt tin của mẹ con Thương và Lĩnh. Rồi nỗi oan khiên xảy ra với người vợ trẻ hiếu thảo, thủy chung cũng từ sự ngây thơ của con trẻ cứ khăng khăng cha mình là cái bóng trên tường, hắt ra từ ánh đèn Lĩnh nhặt được ở nghĩa địa.
Chỉ có điều, cây đèn thắp sáng ấy còn có thể triệu hồi ác linh, để ác quỷ và cô hồn chưa siêu thoát tìm đường trở lại nhân gian; đồng thời nó còn là nơi kết nối âm thế và dương thế… Nhờ đó, những tuyến nhân vật mới như cô đồng Liễu, Hường, Sùng (hồn ma)… xuất hiện và phát triển thành các xung đột mang màu sắc tâm linh.
Qua đó, bộ phim khoe được phần nào những nghi lễ thực hành tín ngưỡng dân gian ở vùng núi phía Bắc như tục lệ trừ tà, chơi cầu cơ, sự tích chiếc khăn trắng bắc qua sông… Cô đồng Liễu do Hoàng Kim Ngọc thủ vai để lại nhiều ấn tượng cho người xem về cả diễn xuất lẫn vũ đạo.

Cùng với đó, “Đèn âm hồn” thực sự bắt mắt với không ít khuôn hình đẹp nhất là với một số đại cảnh, khi là non ngàn hùng vĩ, lúc là dòng thác diễm lệ. Bối cảnh, phục trang của phim cũng được đầu tư khá chỉn chu, góp phần đưa khán giả trở về không gian xưa, câu chuyện xưa. Ngoài ra, phần giới thiệu phim với những tạo hình lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ gợi liên tưởng về không gian văn hóa truyền thống…
Tiếc là, mạch phim chưa thông đồng bén giọt, nhất là nửa cuối phim có những chỗ tẻ nhạt, lộn xộn, khiên cưỡng. Cách kể chuyện rời rạc, nhiều chi tiết “bỗng nhiên” xuất hiện, thiếu gắn kết logic.
Màu phim không sắc nét và tập trung nên khó định hình về thể loại. Lời thoại quá đơn giản, khó ghim vào tâm thức người xem. Cùng với đó là diễn xuất của diễn viên vào vai Thương và Đinh không tròn, chỉ như thể đang minh họa. Ở Thương của Diễm Trang không toát được sự tảo tần mưa nắng một mình nuôi con cùng những tháng ngày âu lo, vò võ, vời vợi nhớ thương người chồng biền biệt mà chẳng một dòng tin tức.
Còn anh chồng vũ phu tên Đinh do Phú Thịnh thủ vai thì quá khô cứng, lên gân, thiếu những sắc thái cảm xúc, cử chỉ, hành động để biểu đạt chiều sâu diễn biến tâm lý nhân vật.
Chính vì thế, “Đèn âm hồn” liên tiếp nhận không ít tranh cãi trái chiều của khán giả về chất lượng cũng như nghi vấn đạo nhái một số phim nước ngoài cũng khai thác đề tài tâm linh như “Quật mộ trùng ma”, “Insidious” và “The Further”, vậy mà vẫn đạt doanh thu hơn trăm tỷ đồng.
Đạo diễn Hoàng Nam chia sẻ rằng ê-kíp sáng tạo với nhiều thành phần gần như là nhân tố mới – từ đạo diễn đến diễn viên, quay phim.... – nên khó tránh khỏi những hạn chế. Cùng với đó anh cũng phủ nhận nghi vấn đạo nhái phim nước ngoài; đồng thời bày tỏ sự cầu thị tiếp thu những góp ý chính xác và lấy tình yêu thương của khán giả là “động lực để hoàn thiện mình, mang đến những sản phẩm tốt hơn trong tương lai”.
Có thể nói, “Đèn âm hồn” còn đó những hạt sạn cùng không ít ngây thơ, thiếu thuyết phục cả về kịch bản lẫn diễn xuất. Nhưng từ những chia sẻ của người lần đầu bước vào điện ảnh như đạo diễn Hoàng Nam thì vẫn cần được ghi nhận về tâm huyết, ước mong góp phần tôn vinh, quảng bá văn hóa Việt qua nhịp cầu của nghệ thuật thứ 7 để từ đó khích lệ người đam mê dám dấn thân.
Song, điều này cần rạch ròi với chuyện đạt doanh thu cao, vì nhiều khi chúng không tỷ lệ thuận cùng chất lượng – thực tế vẫn xảy ra với không ít phim trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Đó cũng là cảnh báo đối với những người đam mê nghệ thuật thứ 7, đừng lấy đó làm thước đo về giá trị, chuẩn mực là không chừng sẽ gây “thảm họa”, kéo nền điện ảnh nước nhà đi xuống.
Cần hơn cả là sự biết lắng nghe, suy ngẫm để hoàn thiện cho những dự án mới trong tương lai cũng như nhân lên việc làm đẹp như lập quỹ dành cho tân binh điện ảnh mà Hoàng Nam hướng tới với quan điểm: “Không phải tân binh là kém. Tân binh cần cơ hội. Chúng tôi có khao khát cống hiến và nghiêm túc với nghề”.