Các quan chức Nga và đại diện của một số công ty lớn coi những đối tác thương mại hiện tại của họ, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, là dễ đoán hơn và không mong đợi mối quan hệ kinh tế với phương Tây sẽ được khôi phục như trước chiến tranh.
"Sẽ hợp lý hơn nếu duy trì mối quan hệ chặt chẽ đã được chứng minh với các đối tác đáng tin cậy", một số quan chức và doanh nhân Nga, những người từ chối nêu tên vì đang thảo luận vấn đề nhạy cảm, đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn ẩn danh với Bloomberg.
Ngoại trưởng Marco Rubio mới đây đã nói với các đồng minh châu Âu rằng Hoa Kỳ sẽ duy trì lệnh trừng phạt đối với Nga ít nhất cho đến khi đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Đề xuất chung về việc dỡ bỏ các hạn chế được đưa ra trong cuộc đàm phán giữa những quan chức cấp cao của Hoa Kỳ và Nga tại Saudi Arabia diễn ra mới đây.

Theo biên bản ghi chép của Bộ Ngoại giao, ông Rubio nói với một phóng viên rằng theo cách đơn giản, không có cuộc thảo luận cụ thể nào ở Riyadh về việc hủy bỏ cấm vận. Chỉ có một gợi ý để cải thiện “bầu không khí”, tuy nhiên Moskva không mấy ấn tượng với những điều khoản mà Washington đưa ra.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông có thể sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về một giải pháp vào cuối tháng 2, điều mà Điện Kremlin không loại trừ.
Washington đã ra tín hiệu rằng việc nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Nga có thể được đưa ra đàm phán khi ông Trump vội vã giải quyết xung đột. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết hôm 20 tháng 2 rằng Hoa Kỳ sẵn sàng thắt chặt hoặc nới lỏng lệnh trừng phạt tùy thuộc vào thiện chí đàm phán của Điện Kremlin.
Khi được yêu cầu bình luận về tình hình, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết vẫn còn quá sớm để thảo luận về các điều khoản đàm phán có thể, bao gồm cả việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.