Cách nào giúp tăng lợi thế trong cuộc cạnh tranh vào lớp 10?

GD&TĐ - Học sinh hãy biết tính toán, đầu tư cho việc ôn tập để có thể tăng lợi thế cho mình trong cuộc cạnh tranh vào lớp 10.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ tại Ngày hội tự tin vào lớp 10.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ tại Ngày hội tự tin vào lớp 10.

Tại Ngày hội tự tin vào lớp 10 sáng 23/2, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An đưa lời khuyên đến học sinh trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng, trong nhóm môn liên quan tới kỳ thi, học sinh hãy xác định môn nào mình đã tốt rồi, cố gắng phát huy điểm mạnh để có điểm bài thi cao nhất; dành thời gian nhiều hơn cho những môn học còn chưa tốt.

Khi thầy cô trả bài kiểm tra, có câu sai, các em cần kiểm tra lỗi sai ở đâu và tìm hiểu vì sao mắc lỗi để sau không mắc lỗi tương tự. Điều này có thể hỏi từ bạn, từ thầy cô.

Thêm nữa, học sinh cần biết rõ mỗi môn học có những đặc điểm gì để đạt điểm cao. Ví dụ, với môn toán các em không được bỏ bước giải. Cho dù làm ra kết quả đúng nhưng bước giải thiếu, các em có thể bị trừ điểm.

Với đề thi môn Ngữ văn không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, ông Trần Đăng Nghĩa, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) lưu ý học sinh cần chú ý đến yêu cầu cần đạt của mỗi nội dung trong chương trình học chính khóa.

Khi nắm được yêu cầu cần đạt, nói cách khác là cách làm, các bước triển khai… học sinh có thể đáp ứng được yêu cầu của đề thi, cho dù sử dụng ngữ liệu đã có trong sách giáo khoa hay ngoài sách giáo khoa.

Ngoài việc bám sát yêu cầu cần đạt, học sinh hãy chịu khó đọc, nhưng cần chọn các tác phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bằng cách đọc nhiều và thực hành viết nhiều, các em có thể nâng được năng lực môn Ngữ văn.

Tại Ngày hội, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý - giáo dục, Giám đốc trung tâm Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), cho biết, có nhiều trường hợp phụ huynh cho con học một môn chuyên khác khi trượt môn chuyên yêu thích theo nguyện vọng đăng ký ban đầu. Việc học sinh lựa chọn theo học lĩnh vực không phù hợp năng lực, sở thích sẽ nguy cơ bị stress, chán học, bỏ học rất cao.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức học trong giai đoạn phổ thông, việc này sẽ gây khó khăn khi chọn tổ hợp thi đại học trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chủ trang trại Zhou Zhiwei cho biết, nghề buôn bán chenpi từng bị coi là một ngành lạc hậu. Ảnh: Maggie Hiufu Wong/CNN

Ở nơi 'vàng' mọc trên cây

GD&TĐ - Bề ngoài, Tân Hội chỉ là một quận buồn tẻ tại thành phố Giang Môn (Quảng Đông, Trung Quốc).

Lớp học của Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa. Ảnh: NTCC

Lan tỏa hiệu quả mô hình song ngữ

GD&TĐ - Từ kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể rút ra bài học để xây dựng hệ thống học liệu điện tử song ngữ và môn học khác bằng tiếng Anh.